Phát biểu họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Osaka, Ngoại trưởng Kamikawa nêu rõ: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình với mối quan ngại. Nhật Bản tán thành 3 luận điểm quan trọng, đó là lập tức trả tự do cho các con tin, giải quyết tình hình và tạo điều kiện để các hoạt động nhân đạo có thể được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể”.
Khác với Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra 2 tuần trước, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 bế mạc trước đó cùng ngày tại Osaka không đề cập tới những cuộc khủng hoảng ở khu vực Trung Đông mà chỉ đề cập tới nỗ lực của G7 nhằm “tìm cách nâng cao nhận thức về những thách thức đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nhân đạo xuyên biên giới quốc tế trong các thảm họa thiên nhiên và những trường hợp khẩn cấp khác”.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, cùng ngày 29/10, Chính phủ Australia kêu gọi công dân nước này ở Liban rời khỏi đây càng sớm càng tốt.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong tuyên bố, Ngoại trưởng Penny Wong cảnh báo cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông có thể dẫn đến nguy cơ đóng cửa sân bay Beirut ở Liban, do đó Chính phủ Australia khuyến cáo công dân nước này lập tức rời khỏi quốc gia Trung Đông khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động. Bà nhấn mạnh: “Nếu xung đột vũ trang gia tăng, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn hơn của Liban và khiến sân bay Beirut bị đóng cửa. Chính phủ Australia có thể không can thiệp hỗ trợ được”.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) cảnh báo các công dân nước này không tới Liban và yêu cầu những cá nhân đang sinh sống ở quốc gia Trung Đông đăng ký tại “Cổng thông tin đăng ký mới dành cho người Australia ở Liban” trên trang chủ của DFAT. Chính phủ Australia đã thuê các chuyến bay hồi hương cho công dân mình ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine từ sân bay Ben Gurion (Tel Aviv), nhưng chưa tổ chức bất kỳ chuyến bay nào rời khỏi Liban.