Đây là lần đầu tiên một máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ một máy bay có người lái kể từ năm 1999. Theo phía Mỹ, sự việc xảy ra sau hàng loạt vụ xung đột giữa binh sĩ ủng hộ chính phủ và lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn – Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – ở gần thị trấn Ja’Din do SDF kiểm soát ở phía Nam thành phố Tabqah, tỉnh Raqqa.
Thông báo của Lầu Năm Góc cho hay, binh sĩ Syria được trang bị xe tăng, đạn pháo và phương tiện kỹ thuật đã tấn công vào vị trí của SDF, buộc liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu phải dùng tới đường dây nóng giảm căng thẳng với Nga nhằm thuyết phục quân đội Syria rút quân.
Một máy bay Super Hornet Mỹ phóng tên lửa. |
Cơ quan quân sự Mỹ cho biết, sau khi biện pháp giảm căng thẳng bất thành, máy bay của liên quân đã oanh tạc vào các vị trí của quân chính phủ Syria nhằm chặn đường tấn công của họ đối với SDF.
Tiếp đến, các phi công liên quân đã quan sát thấy một máy bay chiến đấu Su-22 bay trên khu vực của SDF đang kiểm soát. Người phát ngôn Lầu Năm Góc thông tin với báo giới ngày 20/6 rằng các phi công Mỹ đã phát hiện Su-22 có “cánh bẩn” – thuật ngữ quân sự để miêu tả máy bay mang vũ khí – nên đã cố hết sức để cảnh báo máy bay này rời đi bằng cách bay áp sát, bắn pháo sáng. Tuy nhiên, chiếc Su-22 lại tiếp tục bay bổ nhào xuống và thả bom vào các mục tiêu.
Hai quan chức Mỹ tiết lộ với CNN, ngay sau khi Su-22 thả bom, hai tiêm kích F/A-18E đã cất cánh từ tàu sân bay George H.W. Bush đến hiện trường, phóng đi một quả AIM-9 Sidewinder - tên lửa không đối không tầm ngắn – nhắm vào máy bay của Không quân Syria từ khoảng cách gần 800 mét.
Đáp lại, chiếc Su-22 phóng pháo sáng phản công làm quả tên lửa trượt mục tiêu. Phi công chiến đấu cơ Mỹ đã quyết định phóng tên lửa thứ hai, một quả tên lửa không đối không tầm trung AIM 120, trúng mục tiêu đã định trước. Sự việc khiến máy bay Syria bị đâm xuống đất, buộc phi công bên trong phải bật dù thoát thân.
Quan chức trên cho biết, phi công Mỹ đã trông thấy phi công Syria nhảy dù và dù đã bung ra, song phía Mỹ tin rằng phi công Su-22 có thể đã đáp xuống vùng lãnh thổ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát. Phía quân đội Syria thông báo phi công trên vẫn mất tích.
Vụ máy bay Syria bị bắn hạ dường như không ngăn chặn được lực lượng này tiếp tục ném bom phe đối lập. Một quan chức chia sẻ với CNN rằng ngày 20/6, một máy bay Su-22 khác của Syria đã tiếp cận – động thái được giới quân sự cho là một vụ ném bom tiềm tàng – nhằm vào lực lượng SDF ở Tabqa. Máy bay liên quân một lần nữa lại phải thể hiện sức mạnh, đồng thời tiến hành cảnh báo. Máy bay Syria đã hủy bỏ nhiệm vụ và rời khỏi khu vực. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động bay tại Syria, đã từ chối bình luận về sự cố xảy ra ngày 20/6.
Lần cuối Mỹ bắn hạ một máy bay có phi công điều khiển là năm 1999 khi một chiếc F-16 của Không quân Mỹ bắn rơi một chiếc MiG-29, trong thời gian quân đội khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp quân sự ở Serbia.
Quân đội Syria cho biết: "Máy bay của chúng tôi bị bắn hạ vào buổi trưa gần thành phố Raqqa, khi đang thực hiện nhiệm vụ chống IS". Bộ Quốc phòng Syria nhấn mạnh “hành động của liên quân đã ngăn cản quân đội Syria và đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, khi đội quân này đạt được bước tiến lớn”.
Bình luận về vụ việc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hối thúc Mỹ và các nước khác có các lực lượng hoặc cố vấn quân sự tại Syria phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 6 năm qua tại quốc gia này, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tránh hành động đơn phương, tôn trọng chủ quyền Syria.