Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho hay, khoảng 30 binh sĩ Đức đồn trú ở Baghdad và Taji sẽ được đưa về Jordan và Kuwait và hoạt động rút quân sẽ “bắt đầu” ngay lập tức.
Đức đã triển khai 415 binh sĩ, thuộc một phần trong liên minh chống IS, trong đó khoảng 120 binh sĩ đóng tại Iraq. Quyết định mới trên của Đức được đưa ra sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ chấm dứt thỏa thuận của nước này với liên minh do Mỹ đứng đầu. Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã nói rằng: "Cơ sở để Đức hiện diện quân sự tại Iraq là theo lời mời của Chính phủ và Quốc hội Iraq. Nếu điều này không còn nữa... cơ sở pháp lý để chúng tôi hiện diện tại đó là không còn".
Cùng ngày, Anh thông báo giảm số nhân viên tại các đại sứ quán nước này ở Tehran và Baghdad xuống mức tối thiểu do căng thẳng leo thang sau cái chết của Tướng Qassem Soleimani.
Theo các nguồn tin ngoại giao, việc rút bớt nhân viên ngoại giao được xem là biện pháp đề phòng trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Đại sứ Anh tại Tehran Rob Macaire và Đại sứ Stephen Hickey tại Baghdad sẽ vẫn ở lại tiếp tục nhiệm vụ.
Trong khi đó, ngày 6/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố nước này chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq. Phát biểu với báo giới tại trụ sở Lầu Năm Góc, ông Esper nêu rõ: "Chưa có bất cứ quyết định gì về việc rời khỏi Iraq" và Mỹ vẫn giữ cam kết sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong cuộc chiến chống IS ở Iraq.