Ngày 22/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 từ Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, lúc 22 giờ 42 phút hôm 21/11 (giờ địa phương).
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), cùng ngày 22/11, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đánh giá vệ tinh trinh sát mà Triều Tiên phóng một ngày trước đó đã đi vào quỹ đạo thành công. JCS cho rằng cần phân tích thêm các dữ liệu để xác định liệu vệ tinh này có hoạt động bình thường trên quỹ đạo hay không.
Triều Tiên đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phóng số lượng lớn vệ tinh trinh sát cho mục đích quân sự theo lệnh của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 3/2022.
Vụ phóng ngày 22/11 là nỗ lực thứ ba của Triều Tiên đưa vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo. Ngày 24/8, Triều Tiên xác nhận nỗ lực phóng vệ tinh trinh sát thứ hai đã kết thúc thất bại. KCNA đưa tin Bình Nhưỡng đã phóng vệ tinh trinh sát Malligyong-1, được gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1, nhưng xảy ra lỗi trong giai đoạn phóng thứ 3.
Vụ phóng này diễn ra chưa đầy ba tháng sau chuyến bay đầu tiên của tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1. Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 gắn trên Chollima-1 sáng 31/5 theo kế hoạch đã định, nhưng vụ phóng này đã thất bại.
Triều Tiên khẳng định việc sở hữu vệ tinh là biện pháp tự vệ hợp pháp trước những điều Bình Nhưỡng coi là một loạt hành động khiêu khích của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng ngay cả một vệ tinh đơn lẻ trên quỹ đạo cũng giúp ích cho thế trận quân sự của Triều Tiên.
Ông Carl Schuster, cựu lãnh đạo Trung tâm tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ phân tích: “Nếu vệ tinh này hoạt động, nó sẽ cải thiện năng lực chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tình báo và giám sát của quân đội Triều Tiên. Điều đó sẽ nâng cao khả năng chỉ huy lực lượng của Triều Tiên”.
Ngoài ra, ông Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế phân tích: “Vệ tinh sẽ cung cấp cho Triều Tiên khả năng mà trước đây họ còn thiếu. Nó có thể hỗ trợ họ nhắm mục tiêu quân sự, đánh giá thiệt hại”. Ông cũng nhấn mạnh rằng bài học rút ra từ vụ phóng hôm 21/11 sẽ được sử dụng để phát triển các vệ tinh trong tương lai.
Nhưng một số ý kiến khác cho rằng cần phải xem xét kỹ khả năng thực sự từ vụ phóng của Bình Nhưỡng.