Tới đây Nga còn có thể tấn công khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria bằng tên lửa hành trình. Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga sẽ tấn công vào các vị trí khủng bố tại Syria từ lãnh thổ Iran.
Không quân Nga đã có mặt tại căn cứ Hamadan ở Iran và thực hiện các chuyến cất cánh đầu tiên. Vì sao căn cứ Hmeimim ở Syria lại không đủ cho Nga, và lý do nào để Iran đồng ý hợp tác quân sự chặt chẽ đến mức đó với Nga.
Giới quân sự Nga cho biết, để không kích vào các căn cứ khủng bố tại Syria thì căn cứ Hamadan thuận lợi hơn Hmeimim nhiều. Căn cứ tại Syria khá chật cho các máy bay cỡ lớn như Tu-22M3.
Trong tuần trước Tu-22M3 đã ba lần không kích các nhóm khủng bố, song cho đến nay vẫn cất cánh từ sân bay tại Bắc Osettia, cách Palmyra hơn 2.000 km. Trong khi từ Hamadan đến Palmyra chỉ có 900 km. Có nghĩa là đặt Tu-23M3 tại Hamadan sẽ cho phép không chỉ giảm thời gian bay đến mục tiêu, mà còn giảm được lượng nhiên liệu mang theo, từ đó tăng được trọng tải vũ khí.
Tuy nhiên, nguồn tin quân sự ngoại giao Nga cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đã đề nghị Iran và Iraq cho sử dụng không phận các nước này cho tên lửa hành trình của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo, ngày 15/8 hạm đội Caspi đã bắt đầu tập trận, trong đó kiểm tra khả năng chiến đấu của tàu chiến mang tên lửa “Dagestan” và “Tatarstan”, cũng như tàu tên lửa loại nhỏ “Grad Sviazhsk” và “Veliky Utiug” – tất cả các tàu này đều mang tên lửa hành trình “Calibr”, chính là loại tên lửa đã được phóng vào tháng 10/2015, tiêu diệt 11 vị trí của IS và khiến cả thế giới phải thán phục. Lúc đó, đường bay của tên lửa cũng đi qua bầu trời Iran và Iraq.
Một trong những nhiệm vụ của cuộc tập trạn Hạm đội Caspi là “kiểm tra khả năng của Hạm đội đối phó với tình huống khủng hoảng, đe dọa an ninh đất nước, trong đó có đe dọa khủng bố”.
Ngoài ra, tại Biển Đen cũng đang diễn ra các cuộc tập trận tàu liên lạc tác chiến của Hải quân với lực lượng xung kích ca nô mang tên lửa nhỏ “Zelenyi Dol” và “Serpukhov”, cũng được trang bị “Calibr”.
Từ đó mà giới quan sát quân sự Nga rút ra kết luận: tới đây, sẽ không chỉ có máy bay tầm xa Tu-22M3 của Nga không kích, mà các tàu mang tên lửa của nước này cũng sẽ phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu khủng bố tại Syria.
Giới chuyên gia cũng không bỏ qua phương diện chính trị của vấn đề. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Trung Á Semen Bagdasarov cho biết: Iran hiểu rằng tình hình, đặc biệt tại Tây-Bắc Syria và gần Aleppo rất căng thẳng và Iran muốn bẻ gẫy sự căng thẳng này song lại không có tiềm lực kỹ thuật như của Nga. Do đó mà Iran cho Nga mượn Hamadan. Song ông Bagdasarov cũng cho rằng đây không phải là giải pháp triệt để vấn đề. Theo ông, IS tại Syria có nhiều nguồn lực hỗ trợ khác để cầm cự lâu dài.