Theo tờ Guardian, Chính phủ Anh đang xem xét cung cấp một số xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, và đây là lần đầu tiên một quốc gia phương Tây phát tín hiệu họ có thể cung cấp xe thiết giáp hạng nặng sản xuất trong nước cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Các nguồn tin của Anh cho biết thêm, chưa có quyết định cuối cùng nào của Phố Downing, nhưng Ukraine đang hy vọng một động thái tích cực của London có thể giúp thuyết phục Berlin làm theo vào cuối tháng này với việc chuyển giao xe tăng chiến đấu Leopard 2.
Ukraine đã đề nghị Anh cấp xe tăng "từ mùa hè", một nguồn tin cho biết. Nhưng thực tế là quân đội Anh, với tổng số 227 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực, có nguồn cung nhỏ so với Đức và Mỹ.
Một báo cáo từ trang Sky News cho thấy Anh đang xem xét cung cấp khoảng 10 chiếc Challenger 2, tức chỉ một phần nhỏ trong số 300 chiếc mà Kiev mong muốn nhằm xây dựng một lực lượng thiết giáp mạnh để theo đuổi chiến thắng trước Nga sau hơn 10 tháng xung đột.
Hiện có khoảng 2.000 chiếc Leopard 2 đang phục vụ ở châu Âu tại 13 quốc gia khác nhau, nhưng vì chúng được sản xuất ban đầu ở Đức nên cần phải có sự chấp thuận của Berlin nếu bất kỳ chiếc nào được tái xuất sang Ukraine.
Các nước phương Tây đã tuyên bố tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm nay. Tuần trước, Mỹ và Đức cho biết sẽ cung cấp lần lượt 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley và 40 xe chiến đấu Marder. Động thái này diễn ra sau thông báo của Pháp rằng họ sẽ cung cấp ước tính khoảng 30 xe bọc thép hạng nhẹ AMX-10 RC cho Kiev.
Tuy nhiên, Ukraine đang hy vọng có một bước đột phá hơn nữa tại hoặc trước thềm cuộc họp tiếp theo của nhóm liên lạc "Ramstein" gồm các bộ trưởng quốc phòng phương Tây, dự kiến diễn ra vào ngày 20/1. Nhóm do Mỹ đứng đầu, có nhiệm vụ điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, cho biết: "Không có lý do hợp lý nào khiến Ukraine chưa được cung cấp xe tăng phương Tây". Ông nhấn mạnh cuộc họp tiếp theo của nhóm Ramstein là thời điểm mấu chốt để các đồng minh đưa ra quyết định.
Cuối năm ngoái, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhny, đã kêu gọi phương Tây viện trợ 300 xe tăng và 600 - 700 phương tiện chiến đấu để giúp Kiev đánh bại Nga. Nhưng cho đến tuần trước, các quốc gia NATO vẫn không sẵn lòng cung cấp các xe thiết giáp do phương Tây sản xuất cho Kiev, vì sợ rằng Moskva sẽ coi đó là hành động leo thang căng thẳng.
Thay vào đó, các nước đồng minh chỉ nỗ lực gửi vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine, từ các quốc gia Trung và Đông Âu. Năm ngoái, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã gửi hơn 200 xe tăng T-72 từ thời Liên Xô tới Ukraine.
Các phương tiện thiết giáp chiến đấu bộ binh như Bradley và Marder được coi là kém hơn một bậc so với các xe tăng chiến đấu chủ lực như Challenger 2, Leopard và Abrams của Mỹ, vốn trang bị súng hạng nặng và có lớp giáp dày hơn.
Viện trợ quân sự của phương Tây là rất quan trọng để Ukraine duy trì cuộc chiến đấu với Nga, nhưng nhiều loại thiết bị mà Kiev được cung cấp còn vướng những vấn đề phức tạp trong công tác huấn luyện và thay thế phụ tùng.
Hơn hai năm trước, Anh đã từng xem xét việc loại bỏ toàn bộ đội xe tăng Challenger 2 đã cũ của mình. Cuối cùng thay vào đó, London quyết định nâng cấp 2/3 lực lượng, tức 148 chiếc trong số đó, như một phần của việc xem xét tổng hợp chính sách quốc phòng và đối ngoại.
Xe tăng Challenger 2 trở thành 'trụ cột' không thể thay thế của binh chủng tăng-thiết giáp thuộc Lục quân Anh.
Loại xe tăng chiến đấu chủ lực này được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments), một tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Anh, nghiên cứu và phát triển trong những năm 1980, thay thế người tiền nhiệm là Challenger 1.
Challenger 2 dài 13,5m (tính cả nòng pháo), rộng 3,5m, cao 2,49m và nặng 62,5 tấn (75 tấn với giáp phụ và sẵn sàng chiến đấu). Kíp chiến đấu của xe có 4 người, gồm trưởng xe, lái xe, liên lạc viên và xạ thủ.
Xe được trang bị một động cơ diesel V12 26,1 lít, với sức kéo 1.200 mã lực. Nhờ vậy, Challenger 2 có thể di chuyển với vận tốc 59 km/h trên địa hình bằng phẳng và 40 km/h trên mọi địa hình tác chiến, với phạm vi hoạt động lên tới hơn 550km, hoặc 250km đường địa hình.
Tháp pháo xe tăng Challenger 2 được trang bị pháo L30A1 cỡ nòng 120 ly cùng hai súng máy đồng trục sử dụng cỡ đạn 7,62 x 51 ly NATO. Để tăng thêm uy lực cho pháo chính L30A1, tập đoàn BAE Systems đã chế tạo 10 loại đạn, một vài loại trong số đó sử dụng uranium nghèo có khả năng xuyên thủng các lớp giáp phản ứng nổ được lắp bên ngoài xe tăng đối phương.
Challenger 2 còn có một số tính năng ấn tượng khác, chẳng hạn như khả năng tạo màn khói bằng cách bơm dầu diesel vào ống xả, cơ học hơn. Nó có một tháp pháo xoay hoàn toàn 360 độ bằng điện, hệ thống bảo vệ NBC (bảo vệ chống vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học) và được cho là có thể chịu được một vụ nổ hạt nhân.
Challenger 2 có bề dày kinh nghiệm chiến đấu khi từng góp mặt trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng như tham chiến tại Iraq.
Tại Iraq, Challenger 2 đã chứng tỏ được sự chắc chắn của lớp giáp Chobham/Dorchester được trang bị cho xe này, khi toàn bộ các loại tên lửa vác vai hoặc vũ khí chống tăng quân đội Iraq sở hữu không thể xuyên phá và bắn hỏng được bất kỳ chiếc Challenger 2 nào. Thậm chí trong một trận đánh, một chiếc Challenger 2 đã bị trúng 14 phát đạn RPG-7 và 1 tên lửa chống tăng MILAN ở tầm gần, nhưng toàn bộ kíp lái đều sống sót và xe không hề bị hư hại gì đáng kể.
Challenger 2 chỉ bị một lần tổn thất, nhưng là do "quân ta bắn quân mình". Sự việc xảy ra trong cuộc chiến Iraq ngày 25/3/2003. Trong khi tham gia vào một chiến dịch ở ngoại ô Basra, hai quân nhân Anh đã thiệt mạng khi phương tiện của họ bị một chiếc Challenger 2 khác nã hỏa lực. Hai binh sĩ khác bị thương trong vụ việc.