UAE giảm sự hiện diện quân sự tại Yemen

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một thành viên chủ chốt trong liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến ở Yemen, đang giảm sự hiện diện quân sự ở quốc gia nghèo nhất Trung Đông này, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran đang đe dọa an ninh khu vực.

Chú thích ảnh
 Các lực lượng vũ trang UAE tham gia diễn tập tại hội chợ triển lãm quốc phòng quốc tế ở Abu Dhabi, UAE, ngày 17/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây mà Reuters có được, UAE đã rút một số lực lượng đóng tại thành phố cảng miền Nam Aden và bờ biển miền Tây Yemen, những khu vực mà UAE đã tăng cường triển khai binh sĩ và trang bị cho các lực lượng địa phương dẫn đầu cuộc chiến chống nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi do Iran hậu thuẫn dọc bờ Biển Đỏ.

Các nguồn tin cho rằng UAE muốn rút lại binh sĩ và thiết bị quân sự nếu căng thẳng Mỹ-Iran leo thang sau các vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh và vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ.

Trong khi đó, một quan chức UAE xác nhận có một số hoạt động điều chuyển binh sĩ, nhưng nói rằng đây không phải là sự tái bố trí lực lượng tại Yemen. Quan chức trên đồng thời cho biết UAE vẫn duy trì các cam kết của mình với liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu và sẽ không "để lại một khoảng trống" ở Yemen.

Hiện chưa rõ số lượng binh sĩ UAE đồn trú tại Yemen. Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết UAE đã rút rất nhiều lực lượng khỏi quốc gia nằm trên bán đảo Arab này trong 3 tuần qua.

Khi được hỏi liệu căng thẳng với Iran có phải là nguyên nhân dẫn tới việc UAE giảm sự hiện diện ở Yemen hay không, quan chức UAE nói trên cho biết quyết định này liên quan nhiều hơn tới lệnh ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeidah, hiện do Houthi kiểm soát, theo thỏa thuận hòa bình đạt được vào tháng 12/2018.

Các nguồn tin ngoại giao phương Tây cũng cho rằng tiến bộ đạt được ở Hodeidah giúp UAE có thể giảm sự hiện diện quân sự ở Yemen để lui về tăng cường phòng thủ tại nước này sau vụ tấn công 4 tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển UAE hồi tháng trước và các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu khác ở Vịnh Oman một tuần sau đó.

Xung đột tại Yemen được xem là một phần trong cuộc đối đầu tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen từ tháng 3/2015 để hỗ trợ Tổng thống Mansour Hadi, trong bối cảnh phiến quân Houthi chiếm giữ nhiều khu vực phía Bắc nước này, bao gồm thủ đô Sanaa, buộc chính quyền của ông Hadi phải lưu vong.

Cuộc chiến ở Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới với 24,1 triệu người - chiếm hơn 2/3 dân số - đang cần được viện trợ khẩn cấp.

Thùy An (TTXVN)
Thượng viện Mỹ quyết ngăn cản thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE
Thượng viện Mỹ quyết ngăn cản thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE

Ngày 25/6, một ủy ban Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm tăng quyền hạn cho Quốc hội giám sát các thương vụ mua bán vũ khí của Chính phủ, động thái được cho là phản ứng của các nghị sĩ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn thương vụ bán vũ khí trị giá 8 tỷ USD cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN