Theo hai tờ báo Đức Der Spiegel và Bild, Bộ Quốc phòng Đức đã vạch ra các kế hoạch dự phòng cho một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Nga. Tài liệu này đề cập Đức dự kiến đóng vai trò quan trọng, làm quốc gia quá cảnh cho binh sĩ NATO, trong khi người dân và các dịch vụ dân sự sẽ hỗ trợ binh sĩ nước ngoài.
Hồi tháng 6, chính phủ Đức đã công bố hướng dẫn thời chiến cập nhật lần đầu tiên kể từ năm 1989, bao gồm các biện pháp như bắt buộc nhập ngũ và buộc các nhà sản xuất phải sản xuất hàng hóa phục vụ chiến tranh.
Trong bài viết xuất bản ngày 12/7, báo Der Spiegel tiết lộ rằng trong “Kế hoạch hành động Đức” (OPLAN DEU) được bảo mật, nước này có thể tiếp nhận 800.000 binh sĩ NATO và khoảng 200.000 phương tiện, bao gồm xe tăng và các khí tài khác, qua các cảng ở Hà Lan và Bỉ và di chuyển lực lượng về các sườn phía Đông trong vòng 3-6 tháng. Một số tuyến đường cao tốc chủ chốt sẽ bị cấm lưu thông phương tiện dân sự để phục vụ cho mục đích này. Hai tờ báo đều chỉ ra các cộng đồng địa phương mà những nơi binh sĩ đi qua sẽ làm nhiệm vụ cung ứng thực phẩm, nhà ở, nhiên liệu.
Cảnh sát Đức và các dịch vụ khẩn cấp sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường quan trọng trước các cuộc tấn công.
Trong khi đó, tờ Bild dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết, ngoài vai trò là trung tâm hậu cần của NATO, Đức cũng sẽ cần thành lập một trại tù binh lớn trong lãnh thổ trong trường hợp xung đột với Nga nổ ra.
Tổng thanh tra Lực lượng Vũ trang Đức Carsten Breuer ước tính Berlin có thời gian đến năm 2029 để chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Moskva, vì rất có thể năm đó là thời điểm Nga tấn công NATO. Các cộng đồng địa phương cũng đã chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức diễn tập cho tình huống xấu nhất này.
Về phần mình, Moskva đã nhiều lần lên án việc gia tăng các hoạt động quân sự của NATO ở sườn phía Đông, nói rằng những động thái như vậy sẽ làm căng thẳng tiếp tục leo thang và tạo ra các điểm nguy cơ cho Nga dọc biên giới, từ đó buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để đảm bảo quyền lợi và an ninh của chính mình.
Nga cũng liên tiếp nhấn mạnh họ không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ quốc gia NATO nào và không có kế hoạch hay lợi ích gì trong việc tấn công bất kỳ quốc gia châu Âu nào.