Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhóm nhà khoa học chuyên nghiên cứu công nghệ quân sự mới cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho biết Trung Quốc đã sử dụng AI để cải thiện độ chính xác của pháo tầm xa và giúp giảm chi phí chiến tranh.
Trong nhiều lần thử nghiệm được tiến hành trên các điều kiện khác nhau vào tháng 7 năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng pháo dẫn đường bằng laser tích hợp AI có thể bắn trúng các mục tiêu có kích thước bằng con người ở khoảng cách xa 16km.
Độ chính xác đạt được trong các cuộc thử nghiệm vượt quá mong đợi, cao hơn nhiều so với bất kỳ loại súng cỡ lớn nào hiện nay.
“Trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng. Nhiều nhà nghiên cứu đang áp dụng công nghệ này để xử lý vấn đề lên kế hoạch quỹ đạo”, Trưởng nhóm dự án, Giáo sư Wang Jiang tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, nhận xét.
Đạn pháo truyền thống có thể sai số với mục tiêu 100 mét hoặc hơn. Đạn pháo dẫn đường, có thể điều chỉnh hướng bay khi đang bay, đang được quân đội Trung Quốc, Mỹ và các nước ứng dụng rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, độ chính xác của chúng bị hạn chế vì lượng dữ liệu theo thời gian thực khổng lồ phải được tính toán bằng các mô hình toán học truyền thống. Các biến số như gió, nhiệt độ và áp suất không khí có thể hạn chế độ chính xác của đạn pháo đến mức nó có thể chệch mục tiêu trong vài mét hoặc hàng chục mét.
Thay vì các phương pháp toán học truyền thống, AI đem đến tiềm năng xử lý dữ liệu nhanh hơn.
Khi một quả đạn thông minh được phóng đi, nó phải nhanh chóng thu thập và phân tích nhiều loại dữ liệu môi trường để điều chỉnh hướng bay của nó. Các phép tính có thể tăng theo cấp số nhân.
Con chip máy tính của quả đạn pháo phải đơn giản nhất có thể do phải chịu được sức nóng và độ sốc cực lớn của hỏa lực. Đối mặt với những yêu cầu như vậy, bộ xử lý thường phải loại bỏ bớt dữ liệu thô có giá trị để hoàn thành các phép tính kịp thời nên bị ảnh hưởng đến độ chính xác tổng thể.
Nhưng với AI, ngay cả một con chip máy tính chậm chạp cũng có thể hoàn thành các phép tính cần thiết bằng cách sử dụng gần như tất cả dữ liệu có sẵn.
Theo các nhà nghiên cứu, khi học hỏi từ những dữ liệu được thu thập trong các chuyến bay thực hoặc thí nghiệm, AI có thể bỏ qua một số phép tính toán đòi hỏi khắt khe hơn theo các phương pháp truyền thống.
Nhóm của ông Wang cũng đã thử nghiệm một số mô hình AI trong các nhiệm vụ liên quan đến điều chỉnh quỹ đạo trong chuyến bay. Họ cho biết sự phân công nhiệm vụ giữa các mô hình AI đã cho phép cải thiện độ chính xác hơn nữa.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang chạy đua để phát triển đạn pháo thông minh nhằm giúp cắt giảm chi phí chiến tranh. Đạn pháo thường rẻ hơn nhiều so với tên lửa và có thể sản xuất số lượng lớn nhanh chóng.
Năm ngoái, quân đội Mỹ đã trao một hợp đồng trị giá 66 triệu USD cho nhà sản xuất vũ khí Raytheon để cung cấp một số lượng không xác định các loại đạn thông minh cho pháo dẫn đường bằng định vị GPS, với tầm bắn lên tới 40km.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc năm ngoái đã công bố đoạn phim về một cuộc tập trận bắn đạn thật, cho thấy một chiếc ô tô đang di chuyển bị phá hủy bởi một loạt đạn pháo thông minh. Tuy nhiên, khoảng cách hiệu quả và độ chính xác của loại vũ khí này không được tiết lộ.
Một loại súng cối thông minh mới của PLA cũng được cho là đã đạt được độ chính xác đến từng cm. Tuy nhiên, súng cối thường có tầm bắn ngắn hơn và tốc độ thấp hơn so với pháo.
Mặt khác, việc liệu đạn pháo có cần độ chính xác cao đến như vậy hay không vẫn đang gây tranh cãi. Vì mảnh đạn từ một vụ nổ pháo hạng nặng có thể văng trúng một người cách xa hàng trăm mét, nên một số chuyên gia quân sự cho rằng độ chính xác là không cần thiết.
Nhưng những người khác lại lập luận rằng một khẩu pháo có độ chính xác cao sẽ rất hữu ích cho PLA trong tình huống chiến tranh đô thị.
Ở trường hợp này, pháo hỗ trợ AI có thể vô hiệu hóa lực lượng hoặc phương tiện của kẻ thù ẩn nấp trong các tòa nhà với hiệu quả cao hơn hỏa lực truyền thống và với chi phí thấp hơn tên lửa.
Nó sẽ giúp giảm thương vong cho dân thường và thiệt hại cho các tòa nhà xung quanh.