Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết chiếc J-15 được tạo ra dựa trên nguyên mẫu tiêm kích Sukhoi Su-33 của Nga, vốn thiết kế từ cách đây 3 thập niên. Một đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã phát triển loại chiến đấu cơ J-15 này.
Với trọng lượng cất cánh tối đa là 33 tấn, J-15 là chiến đấu cơ có trọng lượng “khủng nhất” thế giới hoạt động trên tàu sân bay.
Chiếc J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Chuyên gia quân sự Li Jie tại Bắc Kinh nhận định Trung Quốc cần phải phát triển loại chiến đấu cơ mới cho hàng không mẫu hạm bởi quốc gia này có kế hoạch sản xuất ít nhất 4 tàu sân bay.
Chuyên gia Li Jie đánh giá chiến đấu cơ tàng hình FC-31 có triển vọng để thay thế J-15. FC-31 là máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc, đã có lần bay thử đầu tiên trong năm 2012, nhẹ hơn và nhỏ hơn chiếc J-15.
Trung tướng Zhang Honghe, phó chỉ huy lực lượng Không quân Trung Quốc thừa nhận với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng chiến đấu cơ mới dành cho tàu sân bay và để thay thế chiếc J-15 đang được phát triển.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang trong quá trình đóng tàu sân bay mới tại xưởng đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải. Hàng không mẫu hạm lớp 002 này được trang bị hệ thống phóng điện từ đồng nghĩa với việc chiến đấu cơ sẽ cất cánh nhanh hơn so với các chiến đấu cơ khác trên tàu sân bay Liêu Ninh và tàu lớp 001A.
Dưới đây là video chiếc J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh (nguồn: RT)
Một trong những yếu tố khiến quân đội Trung Quốc quyết định thay thế J-15 là vụ tai nạn xảy ra với chiến đấu cơ này năm 2016 khiến một phi công thiệt mạng. Tiếp đó là trục trặc khác với chiếc J-15 khác khiến một phi công bị thương.
Sau những vụ việc này, tất cả phi đội J-15 đều bị tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng trong khi Hải quân Trung Quốc mở cuộc điều tra. Các chuyên gia hàng không Trung Quốc ban đầu cho rằng chiếc J-15 không mắc lỗi thiết kế. Nhưng sau khi nhận thấy cả 2 vụ tai nạn đều gặp chung vấn đề, họ mới thừa nhận chiếc J-15 thực sự có thiếu sót.
Nhiều chiến đấu cơ do Trung Quốc tự sản xuất có vấn đề về động cơ. Vậy nhưng, một số cựu quân nhân của Hải quân Trung Quốc nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng thay vì tiến hành thêm các cuộc bay thử nghiệm, lực lượng này đã đẩy các phi công lên điều khiển chiếc chiến đấu cơ.
Mặc dù các phi công Trung Quốc được huấn luyện để nhảy dù ra khỏi chiến đấu cơ khi có trục trặc về kỹ thuật không thể khắc phục nhưng họ cũng nhận nghĩa vụ luôn phải “bảo vệ chiếc phi cơ quân sự có giá trị”.
Một cựu thành viên Hải quân Trung Quốc giấu tên nhận định: “Có thể khôi phục lại chiến đấu cơ sau vụ tai nạn nhưng sinh mạng của các phi công là không thể thay thế”.