Một bài viết của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đã đả kích các hành động quân sự "liều lĩnh" của phía Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi 2 máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ từ đảo Guam và 4 máy bay chiến đấu F-35B của Lính thủy đánh bộ đóng tại Nhật Bản tham gia tập trận trên bầu trời Hàn Quốc cùng một phi đội máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc. Cuộc diễn tập này nhằm mục đích tiêu diệt các cơ sở chủ chốt của Triều Tiên.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancers (giữa và phải) của Mỹ. Ảnh: EPA/TTXVN |
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã bác bỏ tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lên án Triều Tiên về vụ phóng tên lửa mới đây nhất, đồng thời cho rằng tuyên bố này "bóp méo sự thật" và vi phạm quyền tự vệ của một nước có chủ quyền.
Cũng trong ngày 31/8, Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên không khiêu khích nhau và không làm leo thang căng thẳng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường khẳng định: “Trung Quốc duy trì lập trường phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, mong muốn hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như hy vọng vấn đề hạt nhân được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn, thay vì sử dụng các biện pháp quân sự.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hối thúc Washington cần kiềm chế "mọi bước đi quân sự vốn có nguy cơ dẫn đến những hậu quả khôn lường". Ông Lavrov cũng cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sẽ là "phản tác dụng và nguy hiểm".
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang không ngừng leo thang sau khi hôm 29/8 vừa qua, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản, hướng về phía đảo Guam, vùng lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi đây là “màn dạo đầu” của việc bao vây Guam và tuyên bố sẽ thực hiện thêm nhiều vụ thử tên lửa nhắm vào nhiều mục tiêu trên Thái Bình Dương.