Theo đó, phát biểu tại Hội đồng An ninh quốc gia nước này, Tổng thống Putin cho biết ông có một đề xuất, cụ thể là gia hạn New START mà không có bất cứ một điều kiện nào trong ít nhất 1 năm để có thể tiến hành các cuộc đàm phán. Theo ông, New START đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang và cộng đồng quốc tế không nên mất đi một "tài liệu cơ bản như vậy".
Trước đó, liên quan tới New START, ngày 13/10, Mỹ cho biết đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc với Nga để gia hạn START mới, tuy nhiên, ngay sau phát biểu của Mỹ, Nga đã bác bỏ và cho biết đề nghị để gia hạn New START của phía Mỹ đối với Nga là "không thể chấp nhận được".
Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết Nga ủng hộ việc gia hạn Hiệp ước thêm 5 năm và đã chuyển cho phía Mỹ những đề xuất cụ thể để gia hạn trong khi đáp lại từ phía Mỹ là nhiều yêu cầu nằm ngoài khuôn khổ của thỏa thuận cũng như nằm ngoài trách nhiệm của Nga.
New START giữa Nga và Mỹ được hai cựu Tổng thống Nga và Mỹ, ông Dmitry Medvedev và ông Barack Obama ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Các điều khoản trong Hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.
Thỏa thuận quy định Nga và Mỹ mỗi năm hai lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng. Ngày 5/2/2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong START-3 và sau đó đến 5/2/2021 hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.