Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu chạy thử nghiệm. Ảnh: AFP |
Báo Liên hợp Buổi sáng dẫn tin tức truyền thông Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã cơ bản hoàn tất công tác nghiên cứu chế tạo và thi công đóng mới tàu sân bay nội địa đầu tiên của mình. Sau đợt thử nghiệm này, Trung Quốc sẽ thực hiện nốt công đoạn cuối là xử lý và vệ sinh phần đáy, đồng thời có thể sẽ đưa ra biển để thử chuyến hải trình đầu tiên cho tàu sân bay. Được biết, tàu sân bay nội địa đầu tiên kể trên của Trung Quốc chính là phiên bản cải tiến và nâng cấp từ tàu sân bay Liêu Ninh do Liên Xô thiết kế, vốn được Bắc Kinh mua lại từ Ukraine năm 1998 và sửa chữa hoàn thiện đưa vào sử dụng hồi năm 2012.
Bên cạnh đó, theo thông lệ, Trung Quốc dùng địa danh để đặt tên cho các chiến hạm của mình nên tàu sân bay nội địa đầu tiên do Bắc Kinh chế tạo có thể sẽ được đặt tên là “Sơn Đông”. Theo giới thiệu, tàu sân bay nội địa của Trung Quốc có lượng giãn nước tới 70.000 tấn và có thể mang theo đến 40 máy bay tiêm kích J-15 cũng do nước này sản xuất. Nếu so sánh về trọng tải và độ giãn nước, tàu sân bay này của Trung Quốc thuộc loại lớn nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời chỉ đứng sau các hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Gerald R. Ford của Mỹ.
Theo Liên hợp Buổi sáng, năm 2013, Trung Quốc bắt đầu khởi công chế tạo tàu sân bay nội địa kể trên và hạ thủy vào ngày 26/4/2017. Đây được coi là tàu sân bay tác chiến đầu tiên của Trung Quốc nên nó được đưa vào biên chế sử dụng cũng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đã làm chủ được công nghệ chế tạo hàng không mẫu hạm, trong đó bao gồm cả những hạng mục đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như chế tạo boong, đường băng, thiết bị hỗ trợ máy bay cất và hạ cánh... Liên quan đến nội dung này, Chỉ huy trưởng công trình chế tạo tàu sân bay cho biết đây là một công trình lớn và rất phức tạp, trong đó phải huy động đến hơn 530 công ty cùng tham gia nghiên cứu và chế tạo các hạng mục cùng thiết bị lắp đặt trên tàu. Ngoài ra, mỗi ngày còn có khoảng 3.000 đến 5.000 công nhân làm việc tại xưởng đóng tàu. Ông nhấn mạnh: “Trình độ công nghệ, kỹ thuật và quản lý của Trung Quốc trong việc nghiên cứu chế tạo tàu sân bay hiện không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới”.
Trên phương diện khác, chuyên gia về vũ khí và trang thiết bị hải quân của Trung Quốc Lý Kiệt cho biết mặc dù có hình dáng bên ngoài tương đối giống với tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc được lắp đặt động cơ cùng các trang thiết bị như vũ khí, ra đa và hệ thống điều khiển điện tử... tiên tiến và hiện đại hơn. Tàu sân bay này không chỉ có khoang chứa máy bay lớn hơn tàu Liêu Ninh, mà các khu vực khác như đường băng, khu vực cất và hạ cánh cũng được điều chỉnh để nâng cao hiệu suất cơ động cho máy bay. Chuyên gia quân sự này nhấn mạnh rằng tàu sân bay mới do Bắc Kinh tự nghiên cứu chế tạo có thể mang nhiều hơn 10 máy bay, đồng thời có khả năng tác chiến cao hơn ít nhất là 30% so với tàu sân bay Liêu Ninh mà Hải quân Trung Quốc đang sử dụng.
Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc là ông Tào Vệ Đông cũng cho rằng phía xưởng sản xuất sẽ hoàn tất mọi công tác kiểm nghiệm tàu sân bay và bàn giao cho hải quân nước này vào dịp cuối năm 2018.