Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 24/8 đưa tin, Đại sứ Nga tại Iran Levan Dzhagaryan thông báo cuộc tập trận hải quân chung dự kiến được tổ chức ở Vịnh Ba Tư (Persian) vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Hãng Sputnik (Nga) dẫn lời ông Dzhagaryan nhấn mạnh: “Cuộc tập trận hải quân chung thường niên CHIRU sẽ được tổ chức tại Vịnh Ba Tư. Chiến hạm Nga, Iran và Trung Quốc góp mặt vào sự kiện này. Mục tiêu chính là luyện tập đảm bảo an toàn cho các tàu biển quốc tế và chống lại cướp biển”.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Sun Qi tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đánh giá cuộc tập trận Trung Quốc-Nga-Iran “thể hiện sự ủng hộ đối với Tehran trên trường quốc tế”. Ông Sun nói: “Tuyên bố về tập trận chung bởi 3 quốc gia ở thời điểm nhạy cảm này cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga với Iran”.
Trước đó, Trung Quốc và Nga mới kết thúc cuộc tập trận chung kéo dài một tuần ở Tây Bắc Trung Quốc, với nội dung tập trung chủ yếu vào chiến dịch chống khủng bố đồng thời đẩy mạnh tương tác giữa quân đội hai nước. Trong cuộc tập trận này, 10.000 binh sĩ của Quân khu miền Tây Trung Quốc và Quân khu miền Đông Nga đã thử nghiệm vũ khí mới. Đây là lần đầu tiên quân đội Nga sử dụng xe thiết giáp tấn công và một số thiết bị quân sự khác của Trung Quốc.
Trung Quốc, Nga và Iran từng thể hiện ủng hộ lẫn nhau ở thời điểm cả 3 quốc gia này đều chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã khẳng định Bắc Kinh ủng hộ “yêu cầu chính đáng” của Tehran trong đàm phán về chương trình hạt nhân.
Ông Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác với Tehran “về các vấn đề khu vực để đảm bảo lợi ích chung và tăng cường an ninh, ổn định khu vực”. Iran cũng khẳng định đang trong lộ trình trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngỏ ý sẵn sàng trao đổi với Iran về việc quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)-thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Nòng cốt của JCPOA là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden khẳng định rằng cần có điều kiện tiên quyết là Iran đảm bảo tuân thủ các cam kết thì Mỹ mới cân nhắc về việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Tehran yêu cầu Washington nới lỏng lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Trump.