Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) Justyna Gotkowska và chuyên gia cao cấp về an ninh, quốc phòng thuộc OSW Jakub Graca ngày 22/12, đầu tuần này Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Litva Arvydas Anušauskas đã ký lộ trình triển khai lữ đoàn Đức tại Litva ("Lữ đoàn Litva"). Thỏa thuận mới giữa Đức và Litva sẽ dẫn đến việc quân đội Đức phải triển khai lực lượng thường trực ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.
Vào năm 2024, sở chỉ huy của Lữ đoàn trên sẽ được khai trương và vào năm 2025-2026, hầu hết các đơn vị trực thuộc sẽ được triển khai. Lữ đoàn này sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2027 và cuối cùng sẽ có quân số khoảng 4.800 quân. Phía Litva sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng cho Lữ đoàn.
"Lữ đoàn Litva” sẽ bao gồm Tiểu đoàn cơ giới 122 từ Bavaria (khoảng 600 binh sĩ và 44 xe chiến đấu bộ binh Puma) và Tiểu đoàn thiết giáp 203 từ Bắc Rhine-Westphalia (khoảng 600 binh sĩ và 44 xe tăng Leopard 2A7). Nhóm chiến đấu NATO trước đây được triển khai ở Litva, hiện có quân số khoảng 1.400 binh sĩ, cũng sẽ trở thành một phần của Lữ đoàn (trong đó có khoảng 850 quân Đức), sẽ được chuyển đổi thành một tiểu đoàn đa quốc gia vào năm 2026.
Hai địa điểm đóng quân của Lữ đoàn đã được lên kế hoạch - Rudniki (hai tiểu đoàn Đức) và Rukla (nơi triển khai nhóm chiến đấu NATO). "Lữ đoàn Litva" sẽ trực thuộc Sư đoàn thiết giáp số 10 của Đức, đây sẽ là sư đoàn đầu tiên trong số ba sư đoàn của Đức được trang bị đầy đủ và hoạt động như một phần đóng góp cho kế hoạch phòng thủ của NATO.
Các chuyên gia Gotkowska và Graca nhận định, việc thành lập và triển khai lữ đoàn ở Litva là dự án hàng đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius, nhằm thể hiện rằng quân đội nước này đang thực hiện chính sách an ninh. Như vậy, Đức muốn lấy lại uy tín sau những chỉ trích gay gắt liên quan đến việc giao vũ khí chậm chạp cho Ukraine trong năm đầu tiên của cuộc xung đột và chi tiêu quốc phòng không đủ định mức của NATO.
Đây cũng là một bước quan trọng, mặc dù cần lưu ý rằng việc hoàn thành kế hoạch vào năm 2027 vẫn là chưa chắc chắn và việc thực hiện sẽ phụ thuộc vào tiến bộ của Litva trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự cũng như phụ thuộc vào việc tăng chi tiêu quốc phòng của Đức hay tìm kiếm nhân sự sẵn sàng triển khai.
Lữ đoàn mới sẽ nằm trong kế hoạch phòng thủ khu vực của NATO đã được phê duyệt tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 năm nay.
Kế hoạch trên là sự tiếp nối của quá trình được đưa ra khi Tổng thống Litva Gitanas Nausėda và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ký thông cáo chung vào tháng 6/2022, trong đó các bên đồng ý rằng Đức - ngoài việc chỉ huy nhóm chiến đấu đa quốc gia của NATO - sẽ phân công một lữ đoàn để bảo vệ Litva.
Những tháng tiếp theo đã gây ra tranh cãi về cách giải thích thông báo - Berlin vẫn giữ quan điểm rằng phần lớn lữ đoàn sẽ đóng quân vĩnh viễn ở Đức, trong khi Vilnius bảo lưu quan điểm về việc triển khai vĩnh viễn lực lượng Đức ở Litva. Cuộc tranh luận đã kết thúc bằng tuyên bố của Bộ trưởng Pistorius vào tháng 6 năm nay, rằng Đức sẵn sàng triển khai lâu dài lữ đoàn ở Litva trong những điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, ý tưởng thành lập một lữ đoàn tách biệt khỏi nhóm chiến đấu NATO đã bị bác bỏ, điều này có lẽ liên quan đến những khó khăn trong việc bố trí các đơn vị hỗ trợ cho ít nhất ba tiểu đoàn Đức và việc thiếu cơ sở hạ tầng đầy đủ ở Litva. Tóm lại, nếu thỏa thuận với Đức được thực hiện đầy đủ, Litva rất có thể sẽ có sự hiện diện quân sự lớn nhất của NATO.