Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách quay lại mua vũ khí của phương Tây

Sau thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa hàng tỷ USD do Nga sản xuất gây tranh cãi, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang tận dụng xung đột tại Ukraine để quay lại mua vũ khí của phương Tây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phiên họp toàn thể tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels vào ngày 14/6/2021. Ảnh: Getty Images

Trang Defense News dẫn lời cố vấn giấu tên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ: “Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và vẫn sẽ là như vậy. Xung đột giữa hai đối tác Nga và Ukraine đã tạo ra lợi thế mới cho việc tăng cường quan hệ mua sắm với các đồng minh NATO của chúng tôi”.

Năm 2020, Ankara đã chi 2,5 tỷ USD để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Tuy nhiên, do lo ngại bị các đồng minh cô lập và áp thêm lệnh trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định không đưa hệ thống này vào hoạt động.

Về phần mình, để ngăn Ankara tiếp tục thúc đẩy hợp đồng mua “vệ binh bầu trời Nga”, Mỹ đã đình chỉ tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong tập đoàn đa quốc gia chuyên chế tạo tiêm kích thế hệ thứ năm F-35. Với lệnh trừng phạt này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ phải hoàn trả khoản thanh toán 1,5 tỷ USD cho lô máy bay tàng hình đầu tiên mà nước này chưa nhận được hàng.

Theo giới chuyên gia, chiến sự tại Ukraine một lần nữa đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí trung gian then chốt trong NATO. Trong nhiều năm qua, Ankara đã vun đắp và có được mối quan hệ tốt đẹp với cả Moskva và Kiev. Giới chức hy vọng vai trò này sẽ đem lại kết quả tích cực cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Vào tháng 3 năm nay, quan chức ngoại giao cấp cao phụ trách các vấn đề an ninh và NATO của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết xung đột Nga-Ukraine trên thực tế đã “giết chết” tất cả các thỏa thuận tiềm năng giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Nga liên quan đến các hệ thống vũ khí chiến lược. Và khi Nga không còn là nhà cung cấp quân sự, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang quay lại khảo sát thị trường phương Tây.

Quan chức quân sự cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiến đấu cơ Typhoon của Eurofighter là một lựa chọn liên quan đến giao dịch bán khoảng 80 chiến đấu cơ của nước này. Theo vị quan chức này, thỏa thuận mới sẽ mang lại lợi thế lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đang chế tạo máy bay chiến đấu sản xuất trong nước TF-X.

Typhoon được thiết kế giống máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, do các tập đoàn - gồm Airbus, BAE Systems và Leonardo - sản xuất thông qua Công ty cổ phần Eurofighter Jagdflugzeug GmbH. Cơ quan Quản lý Tornado và Eurofighter của NATO, đại diện cho Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha, quản lý dự án và là khách hàng chính.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin trong một cuộc gặp ở Moskva năm 2020. Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chuyển sang đề nghị mua 40 chiếc chiến đấu cơ F-16 Block 70 và nâng cấp 80 chiếc F-16 phiên bản cũ hơn của nước này. Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa ra Quốc hội vào tháng 4. Đầu tháng 5, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Hạ viện phê chuẩn nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận tiềm năng này có thể trang bị những vũ khí hiện đại cho các chiến đấu cơ, bao gồm tên lửa công nghệ cao, hệ thống radar và bộ tác chiến điện tử.

Ngoài ra, vào tháng 3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng bày tỏ hy vọng thúc đẩy các cuộc đàm phán 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Italy để hợp tác sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không SAMP/T của châu Âu, do Eurosam chế tạo. Trong niềm lạc quan tương tự, vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu cho biết Italy và Pháp đang cân nhắc “nghiêm túc hơn” về việc hợp tác sản xuất các hệ thống SAMP/T với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Anh đã từng bước dỡ bỏ các hạn chế ngăn Thổ Nhĩ Kỳ quay lại mua hệ thống vũ khí của phương Tây. Hồi tháng 2, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Faruk Kaymakcı cho biết Anh đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, được áp đặt sau cuộc tấn công đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria vào năm 2019. Việc nới lỏng các hạn chế thương mại được giữ bí mật với công chúng và một số nhà quan sát cho rằng Canada cũng có thể theo sau.

Tuy nhiên, hầu hết các hạn chế của phương Tây vẫn có hiệu lực. Chẳng hạn, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Điển đã áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn đối với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2019 vì các hành động can thiệp quân sự ở Syria. Pháp đã đặt ra các hạn chế đối với một loạt hệ thống hàng không và quốc phòng của nước này, Italy đã cấm bán một số vũ khí nhất định cho Ankara. Đức đã đình chỉ kế hoạch bán động cơ cung cấp năng lượng cho Altay, loại xe tăng chiến đấu chủ lực nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đang được sản xuất.

Nhà phân tích quốc phòng ở Ankara Ozgur Eksi nhận định: “Hành động cân bằng thận trọng của Thổ Nhĩ Kỳ giữa các đồng minh NATO và Nga nói chung đã được phương Tây công nhận, thậm chí đôi khi còn được khen ngợi. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch như thế nào giữa xung đột lợi ích của phương Tây và Nga trong tương lai gần cũng sẽ định hình quyết định của phương Tây đối với việc Ankara quay lại mua vũ khí của họ”.

Một số nhà ngoại giao phương Tây cho rằng Tổng thống Erdoğan có thể sử dụng quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO để thiết lập lại quan hệ mua sắm quân sự với phương Tây. Hôm 13/5, ông Erdogan đã tái khẳng định cam kết cứng rắn không chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh. Giới quan sát cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sử dụng tư cách thành viên của mình để phủ quyết các động thái kết nạp hai quốc gia Bắc Âu này.

Một nhà ngoại giao Mỹ tại Ankara nói: “Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang chuẩn bị cho quá trình thương lượng khó khăn, có thể bao gồm việc chuyển giao một số hệ thống vũ khí nhất định”.

Trong khi đó, nhà phân tích Eksi bình luận rằng do chiến sự ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể cân nhắc việc chạm đến các thỏa thuận vũ khí lớn với Nga mà trước đó đã có trong bàn đàm phán. Ông nói: “Các thỏa thuận này bao gồm kế hoạch mua máy bay Su-35 hoặc Su-57 do Nga sản xuất”. Trước đó, Tổng thống Erdogan đã gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc mua các loại máy bay chiến đấu này.

Hải Vân/Báo Tin tức (Defense News )
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Châu Âu đang 'hoảng loạn' trước cuộc khủng hoảng di cư từ Ukraine
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Châu Âu đang 'hoảng loạn' trước cuộc khủng hoảng di cư từ Ukraine

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết các quốc gia châu Âu đang trong tình trạng “hoảng loạn” trước dòng người di cư từ Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN