Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ với tàu ngầm mini sát thủ 

Tàu ngầm tấn công cỡ nhỏ STM500 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Ankara trở thành nhà cung cấp vũ khí tiêu chuẩn NATO giá rẻ.

Theo Thời báo châu Á (Asiatimes) mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển các tàu ngầm tấn công mini hoạt động ở các vùng biển xung quanh và để bán trên các thị trường vũ khí toàn cầu, một loại vũ khí được một số chuyên gia coi là “kẻ thay đổi cuộc chơi” cho tương lai của tác chiến hải quân. 

Mặc dù nhỏ hơn và có tầm hoạt động kém hơn, tàu ngầm mini cực kỳ hiệu quả trong các hoạt động ven biển vì chúng có bức xạ và tiếng ồn thấp hơn, có thể có khả năng "tàng hình" tốt hơn.

Chú thích ảnh
Các tàu ngầm mini của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ sớm được rao bán trên thị trường mở. Ảnh: STM

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu sản xuất STM500 trong năm nay và đây là loại tàu ngầm nhỏ nhất do nước này chế tạo. Nó có lượng choán nước khi chìm là 540 tấn, chiều dài 42 m, tốc độ tối đa theo thiết kế là 18 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 5 hải lý/giờ và có thể lặn sâu tới 250 m.

Tàu ngầm mini trên sẽ có phạm vi hoạt động 3.500 hải lý khi chạy bằng động cơ diesel và 75 hải lý khi chạy bằng pin. Lớp tàu này có thể được trang bị hệ thống động cơ đẩy (AIP), khi kết hợp với động cơ diesel có thể mở rộng phạm vi hoạt động lên 4.000 hải lý.

Chúng có thể được trang bị nhiều loại cảm biến khác nhau, kính tiềm vọng quang điện tử và ăng ten hỗ trợ tác chiến điện tử (ESM). Loại tàu này chứa được 18 thủy thủ đoàn và một nhóm đặc nhiệm 6 người, hoạt động dưới nước trong 30 ngày và mang theo 4 ống phóng ngư lôi, với trang bị 8 ngư lôi hạng nặng hoặc tên lửa hành trình.

Chương trình tàu ngầm mini của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hữu ích cho việc đối trọng với Nga ở Biển Đen và là một công cụ để theo đuổi tham vọng cường quốc rộng lớn hơn của nước này. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ba thành viên NATO cùng với Romania và Bulgaria có thể triển khai hợp pháp tàu ngầm ở Biển Đen. Điều 12 của Công ước Montreux cấm các cường quốc không thuộc Biển Đen triển khai tàu ngầm trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, Hạm đội Biển Đen của Nga có một số lượng lớn tàu chiến với 6 tàu ngầm lớp Kilo. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất có thể kiểm tra hoạt động triển khai lực lượng hải quân của Nga từ Biển Đen vào Địa Trung Hải.

Các tàu ngầm mini cũng sẽ có khả năng được bán cho các quốc gia muốn tuân thủ các tiêu chuẩn của NATO nhưng thiếu ngân sách để mua các thiết bị đắt tiền hơn do Mỹ hoặc phương Tây sản xuất, chẳng hạn như Philippines và Ukraine.

Mặc dù Philippines từ lâu đã phụ thuộc vào Mỹ với tư cách là nhà cung cấp quân sự truyền thống của mình, nhưng chi phí cao có thể khiến nước này cần tìm kiếm các nhà cung cấp thiết bị tiêu chuẩn NATO thay thế khác, chẳng hạn như Hàn Quốc, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hải quân Philippines đã đề xuất khái niệm về Tàu ngầm tấn công nước nông (SWATS), được thiết kế để phòng thủ bờ biển và có thể phục kích các lực lượng hải quân đối phương. Điều đó cho thấy, tàu ngầm mini STM500 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp ứng các yêu cầu về năng lực của Philippines.

Hải quân Ukraine đã mất phần lớn tài sản hải quân trong khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Do đó, Ukraine đã tiết lộ kế hoạch ba giai đoạn để tái thiết lực lượng Hải quân của mình vào năm 2035, với cơ sở hạ tầng được xây dựng cho các tàu ngầm cỡ nhỏ, tàu hộ tống... Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán máy bay không người lái chiến đấu cho Ukraine và đã thiết lập các cơ sở để đào tạo, bảo trì và sản xuất chung. Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đề nghị bán ST500 cho Ukraine.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nga chế tạo ‘thợ săn tàu ngầm’ tự động phóng ngư lôi đầu tiên
Nga chế tạo ‘thợ săn tàu ngầm’ tự động phóng ngư lôi đầu tiên

Một nguồn tin nội bộ hé lộ rằng “thợ săn tàu ngầm” mới của Hải quân Nga sẽ xác định mục tiêu và tự ra quyết định có phóng ngư lôi hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN