Tàu ngầm lớp Shang của Hải quân Trung Quốc đã nổi lên trên vùng biển quốc tế với một lá quốc kỳ trên cột buồm sau khi bị Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) theo dấu suốt hai ngày.
Một số chuyên gia quân sự tin con tàu đã bị ép phải trồi lên, song những người khác cho rằng không đủ thông tin để chứng minh giả thuyết này. Sự việc xảy ra hồi tháng 1 này cũng gợi ý về khả năng con tàu chạy quá ồn ào nên dễ dàng bị phát hiện.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, tàu ngầm đã đi vào vùng biển cách quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku chưa đầy 24 hải lý.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu vốn căng thẳng vì những vấn đề trong lịch sử cũng như các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo nhỏ hiện do Tokyo kiểm soát song Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm Hải quân Trung Quốc tiếp cận hòn đảo ở khoảng cách gần đến vậy, làm dấy lên đồn đoán rằng đây là một bước đi rõ ràng của Bắc Kinh để khẳng định tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên hoạt động dưới nước của nó dường như ồn ào quá mức cho phép. Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết các tàu và máy bay săn ngầm đã theo dõi tàu ngầm Trung Quốc kể từ hai ngày trước đó.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc được đưa vào phục vụ năm 2006, đã thực thi nhiều nhiệm vụ trên biển Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Hai tàu ngầm loại 093, được chế tạo những năm 2000, và ít nhất hai chiếc phiên bản cải tiến loại 093A vừa được sử dụng năm 2016.
Mặc dù Tokyo không đề cập vấn đề con tàu Trung Quốc bị phát hiện là tàu cũ hay đã được cải tiến nhưng giới chuyên gia đánh giá đó là một phiên bản mới. Sẽ là bất thường nếu một con tàu ngầm hạt nhân – có thể lặn dưới nước hàng tháng trời – nổi lên trước mặt một lực lượng hải quân của nước khác vì tôn chỉ hoạt động của nó là không để bị trông thấy hay phát hiện.
Sự vụ trên cũng cho thấy tiềm lực chống tàu ngầm mạnh mẽ của Hải quân Nhật Bản, vốn được quân đội Mỹ hỗ trợ về mặt công nghệ.