Hàng trăm cựu binh liên bang miền Bắc và các tù nhân chiến tranh vừa được thả có mặt trên con tàu Sultana chạy bằng hơi nước vào ngày 24/4/1865 thương tích đầy mình, kiệt sức và đói lả - song không giống như hơn 600.000 đồng đội khác trong cuộc nội chiến Mỹ, họ vẫn còn sống. Họ đã trải qua nhiều trận chiến khốc liệt cũng như các trại giam khét tiếng như Andersonville và Cahaba. Thế nhưng, đa số họ lại không thể sống sót trên hành trình trở về quê hương.
Khi các cựu binh lên con tàu gỗ khổng lồ đậu trên bến cảng Vicksburg, Mississippi, vài người đã nghe thấy tiếng búa nện vang ra từ trong phòng động cơ, nơi người ta vội vàng sửa một trong bốn nồi đốt than của tàu Sultana. Trên thực tế, tàu Sultana đã bắt đầu gặp sự cố trên hành trình ngược dòng sông Mississippi từ New Orleans.
Người thợ R.G. Taylor được mời đến sửa tàu đã tìm thấy một điểm bị phình ra trên bề mặt nồi than. Taylor đã báo cáo lại với thuyền trưởng kiêm chủ con tàu, J. Cass Mason, rằng việc sửa chữa phải mất vài ngày. Tuy nhiên, với Mason, thời gian chính là tiền bạc. Trong thời nội chiến Mỹ, Bộ Chiến tranh đã ký hợp đồng với các nhà vận hành tàu hơi nước tư nhân để vận chuyển binh sĩ – 5 USD cho mỗi lính nhập ngũ và 10 USD cho mỗi sĩ quan. Không muốn bỏ lỡ ngày thanh toán tiền, Mason yêu cầu Taylor và đội thủy thủ đặt một miếng vá tạm thời vào nồi đốt bị rò rỉ, đồng thời cam kết sẽ sửa lại toàn bộ con tàu khi nó đến đích tại Cairo, Illinois.
Reuben Hatch, sĩ quan quân nhu của Quân đội liên minh ở Vickburg - người giám sát hợp đồng với các tàu tư nhân – từng bị tòa kết tội năm 1861, song nhờ em trai là Bộ trưởng Ngoại giao bang Illinois Ozias Hatch can thiệp nên được tha bổng. Mặc dù một ủy ban kiểm tra của chính phủ hồi tháng 2/1865 kết luận Hatch “hoàn toàn không phù hợp” để làm sĩ quan quân nhu nhưng mối quan hệ chính trị đầy quyền lực vẫn giúp ông ta bảo toàn chức danh này.
Dường như đã nhận hối lộ của Mason, Hatch sắp xếp 2.400 người lên tàu Sultana bất chấp sự thật nó chỉ được cấp phép để chở tối đa 376 hành khách, trong khi ở bến cảng còn hai con tàu khác trống trơn. “Chúng tôi bị nhồi nhét như những con lợn cho tới khi mọi kẽ hở của căn phòng đều chật kín”, hạ sĩ Corporal George M. Clinger hồi tưởng. Quá nhiều người chen chúc trên con tàu gỗ khiến boong của nó bắt đầu cong võng xuống buộc thủy thủ đoàn phải vội vã gia cố bằng các thanh dầm. Lúc tàu Sultana đến Helena, Arkansas, đám binh sĩ dồn sang một bên để chụp ảnh suýt làm lật úp con tàu.
Sau khi thủy thủ dỡ 250 thùng đường và 97 thùng rượu xuống Memphis, con tàu chạy bằng hơi nước trở nên nặng ở phần thân trên. Vẫn còn chở gấp sáu lần tải trọng, Sultana chòng chành trên dòng chảy cuồn cuộn của sông Mississippi mùa lũ. Rạng sáng 27/4/1865, dưới tác động của nước lũ cùng sức nặng vận tải, các nồi đốt than trở nên quá tải khi Sultana chạy ngược dòng. Hai giờ sáng, ba nồi đốt hoạt động hết công suất đột nhiên phát nổ.
"Vụ nổ xảy ra với một tiếng ồn vượt quá bất kỳ loại pháo binh mà tôi từng nghe”, binh nhì Benjamin Johnston kể lại. Những hòn than nóng rực rơi xuống con tàu như mưa, biến nó trở thành một địa ngục đang trôi nổi. Những người không biết bơi – đáng tiếc rằng số đông hành khách trên tàu đều vậy – phải chọn giữa hai lựa chọn nghiệt ngã: chết cháy hoặc chết đuối. Các binh lính, cựu tù nhân yếu ớt vô vọng chống chọi với dòng nước dữ bằng cách bám víu vào những mảnh gỗ, tấm nệm và các xác chết cháy đen của đồng đội.
Ngay lúc thuyền cứu sinh duy nhất của Sultana được thả xuống sông, hàng chục người đàn ông giành giật nhau lên thuyền khiến nó trở nên quá tải đem theo tất cả chìm xuống đáy sông tối tăm. Một anh lính thậm chí còn tấn công một phụ nữ hòng cướp lấy phao cứu sinh của cô. “Bản tính con vật trong người đàn ông đã trỗi dậy trong cuộc vật lộn tuyệt vọng để cứu bản thân mình mà không màng đến cuộc sống của người khác”, binh nhì John Walker viết.
Nhiều ngày sau sự cố kinh hoàng, lực lượng cứu hộ liên tiếp tìm thấy những thi thể nằm trên các ngọn cây gần nơi vụ nổ xảy ra cũng như từ lòng sông xa mãi tận Vicksburg, cách đó gần 300km. Giới sử học tin rằng hơn 1.800 người trên tàu Sultana trong ngày định mệnh đó đã thiệt mạng. Mặc dù được gọi là “Titanic của Mỹ”, thảm họa tàu Sultana thực tế còn cướp đi nhiều hơn 300 sinh mạng so với vụ đắm tàu nổi tiếng năm 1912 và Sultana vẫn là thảm kịch đường thủy lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, không giống vụ chìm tàu Titanic, thảm kịch Sultana nhanh chóng rơi vào quên lãng. Tin tức về con tàu gỗ bị lu mờ ngay sau các sự kiện như Tổng tư lệnh miền Nam Joseph Johnston đồng ý đầu hàng cũng như kết thúc chiến dịch vây bắt John Wilkes Booth, kẻ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln hai tuần trước đó.
Các nhà thuyết âm mưu đã bàn về khả năng gián điệp phe miền Nam đã cài bom lên tàu như một hành động trả đũa rồi đổ lỗi cho những chiếc nồi đốt bị rò rỉ. Thực tế thì số người quá tải cũng đủ để làm đắm tàu chứ chưa cần đến vụ nổ. Ba ủy ban riêng biệt đã điều tra thảm họa song cuối cùng đều không tìm được người phải chịu trách nhiện. Sĩ quan quân nhu Reuben Hatch phớt lờ ba trát gọi hầu tòa và không bao giờ bị khởi tố. Chủ tàu J. Cass Mason bỏ mạng cùng với con tàu.