Những robot độc lập hoàn toàn, tự quyết định khi nào cần tiêu diệt quân địch, có thể được phát triển trong vòng 20-30 năm, thậm chí sớm hơn.
Phần 3 của "Kẻ hủy diệt" tràn ngập các chiến binh máy móc. |
Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), các quân đội trên khắp thế giới đang “rất hào hứng” với viễn cảnh các máy móc có thể triển khai độc lập nơi chiến trường, tránh cho các binh sĩ khỏi những tình huống nguy hiểm.
Mỹ hiện đang dẫn đầu chương trình phát triển các “robot chiến binh” như vậy. Quân đội Mỹ đã triển khai máy bay không người lái tiến hành nhiều vụ tấn công phiến quân ở Pakistan, Yemen và nhiều nơi khác. Mặc dù máy bay không người lái được điều khiển từ xa bởi con người và không thể tiêu diệt mục tiêu mà không được phép, nhưng các hệ thống vũ khí đòi hỏi ít sự can thiệp hơn của con người cũng đã tồn tại. Hệ thống súng Phalanx do công ty Raytheon sản xuất, được triển khai trên các tàu chiến Mỹ, có thể phát hiện hỏa lực đối địch và tự bắn lại các vật thể đang phóng tới.
Hệ thống súng Phalanx có thể phát hiện tên lửa đối phương và tự động đánh chặn. |
Northrop Grumman X47B là loại máy bay không người lái có thể cất và hạ cánh trên các tàu sân bay và tiến hành các trận chiến trên không mà không cần phi công, thậm chí có thể được tiếp liệu trên không.
Nhưng có lẽ gần nhất với kiểu máy móc giết người như trong bộ phim “Kẻ hủy diệt” phần 3 (Terminator: The Rising of Machines) với diễn xuất của Arnold Schwarzenegger, thì phải là robot canh gác do Samsung chế tạo, hiện đã được sử dụng tại Hàn Quốc. Robot này có thể phát hiện những hành động bất thường, phát hiện kẻ xâm nhập và khi được sự cho phép của người điều khiển, nó có thể nhả đạn.
Robot canh gác do Samsung sản xuất đã được triển khai tại Hàn Quốc. |
Chưa hết, hiện nay, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng đang phát triển một loại robot cảnh sát như thật, có thể tuần tra trên đường phố để đối phó với nạn tội phạm. Những robot cảnh sát bị thương sẽ được đưa tới bốt tuần tra, tại đây cánh tay bị mất của họ có thể được thay thế một cách dễ dàng.
Cùng với việc đưa ra cảnh báo về xu hướng sản xuất các hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn, bản báo cáo có tên “Losing Humanity” (Mất nhân tính) của HRW dấy lên hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức học trong công nghệ quân sự. Báo cáo này khẳng định những robot kiểu như “Kẻ hủy diệt” phải bị cấm trước khi các chính phủ bắt đầu triển khai chúng, đồng thời kêu gọi ký kết “một hiệp ước quốc tế về cấm hoàn toàn việc triển khai, sản xuất và sử dụng các loại vũ khí tự động hoàn toàn”.
Theo HRW, những vũ khí như vậy đồng nghĩa các binh sĩ sẽ tránh được những tình thế nguy hiểm nhưng cũng dẫn đến nguy cơ chiến binh robot có thể rơi vào một cuộc tàn sát mà không phân biệt được thường dân với chiến binh trong vùng chiến sự.
“Một loạt các chính phủ, trong đó có Mỹ, đang rất hào hứng với hướng đi này, hào hứng với việc thay thế binh sĩ bằng máy móc trên chiến trường để giảm bớt thương vong”, ông Steve Goose, giám đốc nhánh vũ trang của HRW nói. Theo quan chức này, “robot sát thủ” hiện vẫn chưa xuất hiện, nhưng ông cảnh báo về những loại máy tiền thân của nó và cho rằng, cách tốt nhất để tránh cơn ác mộng về robot giết người tự động là cấm trước và triệt để việc phát triển và sản xuất những hệ thống vũ khí như vậy. “Nếu robot làm sai, ai sẽ chịu trách nhiệm? Chắc chắn sẽ không thể là robot”, ông Goose nói.
Thu Hằng