Quân đội Trung Quốc là 'rồng giấy'?-Kỳ 1: Những bất lợi chiến lược

Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 30 năm qua là rất ngoạn mục. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế hai con số, giờ đây Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có lực lượng quân sự ngày càng hiện đại. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp mười lần trong vòng 25 năm. Bắc Kinh đang xây dựng một lực lượng hải quân mạnh mẽ, phát triển máy bay chiến đấu tàng hình, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm thử nghiệm hoạt động viễn chinh.

Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc một cách nhanh chóng cùng với một chính sách đối ngoại ngày càng khiêu khích đã khiến một số nhà hoạch định chính sách của phương Tây xem Bắc Kinh là một đối thủ duy nhất có khả năng đánh bại quân đội Mỹ trong một số trường hợp.

Tàu chiến của hải quân Trung Quốc.


Tuy nhiên, theo Giáo sư Kyle Mizokami, chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh và quân sự châu Á, nhận định trên là sai lầm. Thậm chí, sau nhiều thập kỷ tái vũ trang tốn kém, Trung Quốc vẫn chỉ là con "rồng giấy".

Tăng ngân sách quốc phòng

Nhìn bề ngoài thì rất mạnh mẽ, nhưng trên thực tế không có gì phải sợ, Mỹ là một con Hổ giấy, Mao Trạch Đông nhận định về Mỹ năm 1956.

Ngân sách quân sự của Trung Quốc đã tăng trưởng hai con số từ năm này qua năm khác, nhưng lạm phát là một nỗi ám ảnh ngày càng tăng với nước này. Vấn đề tham nhũng đã tác động tiêu cực đến các lực lượng: Lục quân, Không quân, Hải quân và các đơn vị tên lửa cũng như vũ khí của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, phần lớn các loại vũ khí của nước này kém hiện đại hơn so với phương Tây.

Hiện quân đội Trung Quốc (PLA) đang hiện đại hóa với các loại vũ khí tiên tiến hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh có thể huy động lực lượng vũ trang cho các nhiệm vụ toàn cầu. Bên cạnh đó, hành động của Trung Quốc đang tự cô lập mình và tạo ra những đối thủ tiềm tàng xung quanh. Bắc Kinh đều có các cuộc xung đột với các nước láng giềng như Nga, Nhật Bản và Ấn Độ trong lịch sử. Chính sách đối ngoại gây hấn với các nước láng giềng nhỏ hơn cũng khiến tất cả các quốc gia trong khu vực phải đề phòng họ.

Về lực lượng, Trung Quốc hiện có số lượng nhân viên phục vụ trong quân đội lớn nhất thế giới, với khoảng 2,3 triệu quân thường trực và 800.000 quân dự bị, trong đó lực lượng mặt đất khoảng 1,25 triệu và chia thành 18 đơn vị chủ lực.

Hải quân Trung Quốc có tổng quân số 255.000 thủy thủ, được chia thành các hạm đội: Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, với 1 tàu sân bay (Liêu Ninh), 23 tàu khu trục cỡ lớn, 52 tàu khu trục cỡ nhỏ, 49 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel và 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Trung Quốc có ít nhất 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn, đại diện cho lực lượng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh trên biển.

Không quân Trung Quốc có 330.000 nhân viên thường trực hoạt động trải rộng trên 150 căn cứ không quân và hải quân. Cả lực lượng Hải quân và Không quân của Trung Quốc có khoảng 1.300 máy bay chiến đấu các loại, trong đó có 134 máy bay ném bom hạng nặng và máy bay chở dầu, 20 máy bay cảnh báo sớm. Trung Quốc cũng đang sở hữu 700 chiếc trực thăng chiến đấu.

Máy bay J-20 của không quân Trung Quốc.


Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 188 tỷ USD, chiếm 9% chi tiêu quân sự toàn cầu và gần 1/2 ngân sách quốc phòng của tất cả các nước châu Á cộng lại. Trong khi đó, Mỹ đã chi 640 tỷ USD, Nga là 88 tỷ USD, Ấn Độ là 47 tỷ USD và Nhật Bản là 48 tỷ USD cho quốc phòng.

Chi tiêu của Trung Quốc có vẻ là rất nhiều, nhưng nước này đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cụ thể:

Vấn đề biên giới, dân tộc

Trung Quốc có chung đường biên giới với 3 nước được phương Tây cho là bất ổn nhất trên thế giới hiện nay: Pakistan, Afghanistan và Triều Tiên. "Biên giới đất liền của Trung Quốc chưa bao giờ được an toàn. Các vụ đụng độ trên biên giới với Ấn Độ rất có thể sẽ leo thang thành một cuộc xung đột lớn", M. Taylor Fravel, Giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts nói.

Trung Quốc đang trải qua một thời gian dài của hòa bình và thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại của nó. Nhưng nước này đang phải đau đầu về các vùng lân cận nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là các vụ bạo động, khủng bố ở khu vực Tân Cương đang có nguy cơ lan rộng. Đó là một lý do khiến ngân sách quân sự của Trung Quốc là 188 tỷ USD và ngày một tăng lên.

Cô lập với tất cả

Trên thực tế, Trung Quốc không có một đồng minh đáng tin cậy vì cách hành xử của nước này. Đặc biệt, mới đây nhất, Bắc Kinh đã ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương-981 bên trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam, mà Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales nhận định là hành động "bất ngờ, gây hấn và bất hợp pháp". Hơn nữa, sự quyết đoán của Trung Quốc đang đẩy các nước Đông Nam Á vào vòng tay của Mỹ. Một loạt quốc gia đang xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, đối thủ chính của Trung Quốc tại khu vực. Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng triển vọng về việc các nước trong khu vực có thể hợp nhất để chống lại sức mạnh của Trung Quốc và hành động để kiềm chế cách hành xử của Trung Quốc.

Khoảng 5 nghìn người Việt ở Đức đã tập trung tại Quảng trường Postdam, Berlin để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và đưa các tàu vào gây hấn tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hùng - Phóng viên TTXVN thường trú tại Đức


Hành vi hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông có thể khiến các nước láng giềng hợp sức với nhau hoặc hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng minh lớn hơn, mạnh hơn đối phó với Bắc Kinh. Nhật Bản đang xây dựng mối quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc và với các nước phương Tây. Tokyo hiện đang đàm phán với Autralia, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Canada và Mỹ. Hợp tác hậu cần, phát triển thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung và các vấn đề liên quan đến viện trợ an ninh đều nằm trên bàn đàm phán.

Philippines đã bắt đầu xây dựng lại lực lượng hải quân và không quân, mua thêm tàu chiến từ Mỹ và hàng chục máy bay chiến đấu của Hàn Quốc. Mới đây, Manila đã đồng ý cho Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự và đồn trú lâu dài trên lãnh thổ của mình.

Những hành động gần đây của Trung Quốc đã khiến cho nước này ngày càng không có bạn bè. Điều này đặt Trung Quốc vào thế bất lợi chiến lược to lớn. Bắc Kinh không có đồng minh để cung cấp căn cứ, chia sẻ gánh nặng và tin tức tình báo hoặc hỗ trợ về mặt tinh thần.

"Bảo tàng quân sự"

Mặc dù ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, kho vũ khí của Trung Quốc vẫn còn lưu trữ nhiều thiết bị lạc hậu. PLA đang sở hữu 7.580 xe tăng chiến đấu chủ lực - lớn hơn so với quân đội Mỹ. Nhưng chỉ có 450 chiếc trong số đó - Loại 98A và Loại 99 là hiện đại, được trang bị súng 125mm, áo giáp hỗn hợp và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến. Trong khi đó gần như tất cả trong tổng số 5.000 xe tăng M-1 của Mỹ là hiện đại.

Trung Quốc cũng có rất nhiều máy bay chiến đấu. Quy mô các phi đội không quân của nước này chỉ đứng sau Mỹ, nhưng đa số các máy bay này là yếu và lỗi thời. Trong tổng số hơn 1.300 chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc, chỉ có 502 chiếc là hiện đại, với 296 chiếc là biến thể từ Su-27 của Nga và 206 chiếc J-10 do Trung Quốc tự thiết kế. Còn lại khoảng 800 chiếc máy bay chiến đấu, chủ yếu là J-7, J- 8 và Q-5, được thiết kế, sản xuất trong những năm 1960, 1970. Chúng sẽ khó tồn tại lâu trong một cuộc chiến tranh hiện đại.

Xe tăng quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễu hành.


Lực lượng hải quân của Trung Quốc có lẽ là trong tình trạng tốt nhất, nhưng triển vọng cũng không nhiều. Các tàu khu trục của PLA là khá mới, nhưng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, lại là một con tàu cũ do Liên Xô chế tạo trong những năm 1980, chỉ bằng một nửa kích thước và mang được 1/2 số máy bay chiến đấu so với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Ngoài ra, Liêu Ninh thiếu trang bị radar và máy bay tiếp nhiên liệu giống như tàu sân bay của Mỹ để có thể cho phép máy bay có khả năng tấn công tầm xa.

Tàu ngầm cũng là một vấn đề đối với PLA. Hơn một nửa trong tổng số 54 tàu ngầm của Trung Quốc được cho là hiện đại, có nghĩa là, chúng được chế tạo trong vòng 20 năm trở lại đây. Hạm đội hiện đại dưới biển của Bắc Kinh bao gồm các tàu ngầm lớp Tấn, Hán, Nguyên và lớp Tống. Tất cả 4 lớp tàu ngầm này là do Trung Quốc tự xây dựng và điều thể hiện sự yếu kém hơn so với các thiết kế của phương Tây. Số tàu ngầm còn lại, đa số là lớp Minh, được sản xuất trong những năm 1980, đều đã lỗi thời.

Một điều đáng ngại là, sau khi chế tạo 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn, PLA đã ngừng sản xuất và đặt hàng với Nga chế tạo 4 chiếc tàu ngầm lớp Kalina, báo hiệu một sự thiếu niềm tin đối với các thiết kế nội địa.

(Xem kỳ cuối: "Ẩn số và khả năng 'vượt mặt' Mỹ" tại đây)

Công Thuận


Quân đội Trung Quốc là 'rồng giấy'?- Kỳ cuối: Ẩn số và khả năng 'vượt mặt' Mỹ
Quân đội Trung Quốc là 'rồng giấy'?- Kỳ cuối: Ẩn số và khả năng 'vượt mặt' Mỹ

Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, tham vọng lãnh thổ với các nước láng giềng,... sẽ là điều khôn hoan khi các nước láng giềng luôn có con mắt thận trọng đối với Trung Quốc. Nhìn bên ngoài, Bắc Kinh đang phát triển các loại vũ khí mới nhằm đuổi kịp với phương Tây, nhưng hiệu quả ra sao vẫn là một ẩn số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN