Cuộc khảo sát của MTV3 đã đặt câu hỏi rằng mọi người nghĩ gì về việc thành lập một căn cứ thường trực của NATO, cũng như vai trò của Phần Lan khi gia nhập liên minh quân sự này trong tương lai.
Phần Lan đã nhiều lần tổ chức tập trận chung với các lực lượng NATO trên lãnh thổ nước này, nhưng không cho phép liên minh thiết lập các cơ sở đồn trú thường trực. Cuộc khảo sát của MTV3 nhằm nắm bắt dư luận về việc sẽ triển khai căn cứ quân sự của NATO sau khi Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này.
Theo kết quả khảo sát, khoảng 48% cho biết họ phản đối việc thiết lập các căn cứ và triển khai binh sĩ thường trực của NATO trên đất Phần Lan, trong khi chỉ 39% cho biết họ ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy và 13% cho biết họ không thể đưa ra ý kiến.
Về vai trò tương lai của Phần Lan trong NATO, những người được khảo sát cũng cho thấy sự chia rẽ. Phần Lan sẽ đảm nhận vai trò tích cực hơn sau khi trở thành thành viên NATO là quan điểm được 49% số người được khảo sát ủng hộ. Mặc dù Phần Lan đã tham gia vào các nhiệm vụ của NATO, nhưng 42% cho biết họ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ, trong khi 9% những người được khảo sát cho biết họ không có quan điểm rõ ràng.
Trong khi đó, ông Stoltenberg hôm 7/3 cho biết đã có một số "tiến bộ" ở Thụy Điển và Phần Lan trong quá trình trở thành thành viên của NATO.
Ông Stoltenberg lưu ý trong chuyến thăm Thụy Điển rằng việc hoàn thiện tư cách thành viên là "ưu tiên hàng đầu". "Chúng tôi đang đạt được tiến bộ. Đã đến lúc hoàn tất quá trình phê chuẩn", ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã ra tín hiệu chấp nhận ủng hộ đơn gia nhập NATO của Phần Lan, nhưng để ngỏ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Nhật báo Sabah của nước này rằng có khả năng tiến trình của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được giải quyết riêng rẽ.
Đề cập đến việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể không phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) vào đầu tháng 7 này, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto nói: “Bắt đầu xuất hiện câu hỏi liệu cánh cửa NATO có thực sự rộng mở hay không”.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển liên quan đến tư cách thành viên NATO của 2 nước Bắc Âu này tiếp tục diễn ra vào ngày 9/3 tại trụ sở NATO ở Brussels.