Nhiều đơn vị quân đội đã tự túc được 100% nhu cầu thực phẩm

Lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội ta; đồng thời, cũng là truyền thống, bản chất của Bộ đội Cụ Hồ.

60 năm qua, Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế luôn tích cực lao động sản xuất, góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội và tự giải quyết một phần nhu cầu của quân đội.

Chăm sóc rau xanh tại đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN



“Thực túc binh cường”

Cách đây 60 năm, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng về giảm quân số và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 23/8/1956, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị định số 030/NĐ thành lập Cục Nông binh, điều chuyển gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng đất nước.

60 năm qua, Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế luôn tích cực lao động sản xuất, góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội và tự giải quyết một phần nhu cầu của quân đội.

Ngay sau khi được thành lập, “Đội quân sản xuất” là lực lượng tiên phong đến những miền đất gian khó, hoang vu, hoặc trở lại các chiến trường chưa hết bom đạn để “khai sơn, phá thạch”, xây dựng nên những nông trường, lâm trường, nhà máy, xí nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học.

Tính đến cuối năm 1960, khi có chủ trương của Bộ Chính trị chuyển các nông trường quân đội ra Bộ Nông trường, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 29 nông trường với 153.025 ha đất và bảo đảm chính sách, chế độ cho 38.749 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chuyển ra khỏi quân đội.

Sự hình thành các nông trường quân đội đã tạo điều kiện để thực hiện điều chỉnh lực lượng, giảm quân số sau chiến tranh; đồng thời tạo lập thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn trọng yếu, thực hiện chủ trương kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng trên miền Bắc XHCN.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với phong trào tăng gia sản xuất phục vụ nhiệm vụ ở chiến trường, lực lượng quân đội đã khắc phục khó khăn gian khổ, mở đường xẻ dọc Trường Sơn, thiết lập những binh trạm, căn cứ hậu cần tại rừng U Minh, Chiến khu D, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… sản xuất vũ khí, cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội; vừa chuẩn bị thực hiện chức năng của kinh tế quốc doanh khi miền Nam được giải phóng.

Ngay sau khi thống nhất đất nước, Chính phủ ra Nghị định số 59/CP, ngày 5/4/1976, thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế; đồng thời, điều chuyển một lực lượng lớn của quân đội (gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ) sang làm kinh tế, xây dựng đất nước. Ðặc biệt, trong công cuộc đổi mới, nhất là bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội ngày càng nền nếp, hiệu quả.

Đã có được 23 khu kinh tế - quốc phòng

Có thể nói, hầu như không có lĩnh vực then chốt nào của nền kinh tế quốc dân không có mặt các doanh nghiệp quân đội: Giao thông, thủy lợi, thủy điện, xây dựng, khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, đóng tàu, công nghệ thông tin-viễn thông, nông lâm ngư nghiệp, trồng rừng, lấn biển, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 565 thuộc Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 5, đóng quân tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) chăm sóc vườn rau góp phần đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng của đơn vị. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ngành nào, lĩnh vực nào, vùng nào cũng có những dấu ấn, những công trình trọng điểm do quân đội thực hiện, góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước như: tham gia xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly, đường quốc lộ 1, 18, Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường 5...

Đặc biệt, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, biên giới, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đến nay, quân đội ta đã xây dựng được 23 khu kinh tế - quốc phòng trên những địa bàn chiến lược quan trọng.

Các khu kinh tế-quốc phòng tham gia thực hiện các dự án định canh, định cư cho dân; khai hoang trồng mới trên 30.000 ha cây công nghiệp; giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động, trong đó có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, thu nhập của người lao động và hộ gia đình nơi đây từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo còn rất thấp.

Đồng thời, các khu kinh tế - quốc phòng đã góp phần hình thành hệ thống các điểm dân cư mới tập trung trên vành đai biên giới, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh làm nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với an ninh nhân dân bảo vệ địa bàn.

Phần lớn các doanh nghiệp quân đội hoạt động có hiệu quả, doanh thu hằng năm của các doanh nghiệp quân đội tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Nhiều doanh nghiệp quân đội còn khẳng định được vai trò của mình không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn mạnh sang thị trường khu vực và thế giới.

Đến nay, các doanh nghiệp quân đội đã cơ bản chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Khu vườn tăng gia của Đồn Biên Phòng 328 trên đảo tiền tiêu Lý Sơn.


Ngoài ra, các đơn vị thường trực đã nêu cao tinh thần “Tự lực tự cường”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trọng tâm là tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản, chế biến, xay xát và làm một số dịch vụ theo quy định. Bình quân hằng năm, toàn quân đã tăng gia sản xuất tự túc được trên 90% nhu cầu rau xanh; 60-65% nhu cầu thịt, cá; trong đó, nhiều đơn vị đã tự túc được 100% nhu cầu thực phẩm.

Nhờ đó, đã tạo được nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, giúp ổn định, cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ và tạo nguồn thu bổ sung cho hoạt động của đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các cơ sở nghiên cứu, nhà trường, bệnh viện quân đội… đã phát huy thế mạnh, tận dụng tốt nguồn lực, kết hợp hoạt động dịch vụ gắn với nhiệm vụ chuyên môn theo đúng quy định, vừa tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo nguồn thu cho đơn vị và ngân sách Nhà nước…

Từ thực tiễn quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế 60 năm qua, có thể khẳng định: quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một giải pháp có hiệu quả, không chỉ góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn góp phần giữ gìn và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; tạo nguồn thu bổ sung cho ngân sách quốc phòng, giải quyết một phần nhu cầu của quân đội, cải thiện đời sống bộ đội.

Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã thực sự trở thành một nguồn nội lực của đất nước để giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội, góp phần vào việc điều chỉnh thế bố trí chiến lược bảo vệ Tổ quốc, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược biên giới, vùng sâu, vùng xa và trên các hải đảo, vùng biển đặc quyền kinh tế của đất nước.

Kim Chung (TTXVN)
Chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội
Chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN