Trước đó, tại cuộc họp báo hằng năm cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo việc hạ thấp giới hạn cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây ra thảm họa toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình nước Nga Channel One, người phát ngôn Peskov nhấn mạnh: "Tổng thống muốn nói đến điều mà ông ấy đã nhiều lần giải thích. Việc triển khai tên lửa ở châu Âu, và khả năng hệ thống này nhắm mục tiêu vào Nga, sẽ khiến Nga phải chĩa tên lửa của mình vào các bệ phóng tên lửa này để tạo ra sự đối trọng". Ông Peskov cảnh báo nguy cơ tình hình "leo thang đến mức tái diễn kịch bản đã gặp trong quá khứ".
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF. Tuy nhiên, Moskva khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm. Tổng thống Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.