Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News sau hội nghị thượng đỉnh, ông Putin cho biết: "Tôi đã tái đảm bảo với Tổng thống Trump rằng Nga sẵn sàng gia hạn hiệp ước này, song trước tiên chúng tôi phải nhất trí về chi tiết vì chúng tôi còn một số câu hỏi dành cho các đối tác Mỹ". Tổng thống Nga nói thêm rằng: "Họ (Mỹ) chưa tuân thủ đầy đủ hiệp ước này, nhưng đây là việc do giới chuyên gia quyết định".
Hiệp ước START mới, được ký ngày 8/4/2010, kêu gọi hạn chế số lượng các vũ khí hạt nhân được triển khai ở mức không vượt quá 1.550 đầu đạn. Văn kiện này cũng giới hạn số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và bom hạt nhân được triển khai ở mức 700, và hạn chế số ICBM, SLBM và bom không được triển khai ở mức 800. Hiệp ước này đã có hiệu lực trong 10 năm qua và có thể được gia hạn thêm 5 năm.
Theo START mới, đến tháng 2/2018, hai nước phải đạt đến con số giới hạn đã thỏa thuận. Đầu năm nay, hai bên đều nói rằng mình đã tuân thủ đúng những gì đã thỏa thuận. Tuy nhiên, Nga còn nghi vấn về việc Mỹ đại tu một số tàu ngầm và bom để có thể mang được vũ khí thông thường, nhưng không có gì để xác nhận rằng các tàu ngầm và bom này sẽ không được sử dụng cho vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, ông Trump chỉ trích Hiệp ước START mới là "một thỏa thuận tồi".
Giám đốc Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Mỹ (ACA) về chính sách giải trừ quân bị, ông Kingston Reif nhận định: “Việc gia hạn START mới sẽ có thể giúp tạo môi trường tích cực để cải thiện quan hệ Mỹ - Nga mà không cần đưa ra những nhượng bộ phi thực tế hoặc thiếu khôn ngoan cho Moskva. Nếu không làm vậy, khả năng thu thập tin tình báo của Mỹ đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga sẽ bị hạn chế.”
Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành ACA cảnh báo: “Nếu không có một quyết định tích cực về việc gia hạn START mới và nếu Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF) kết thúc, thì sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ tăng lên".