Binh sĩ quân đội Triều Tiên tại lễ tuyên thệ trung thành với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng ngày 14/2. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Theo hãng tin Nga TASS, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh đang làm gia tăng lo ngại. Cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc bắt đầu ngày 7/3 tuy là theo kế hoạch nhưng thực tế là chưa có tiền lệ về quy mô, số lượng và chủng loại vũ khí được sử dụng cũng như chủng loại chiến dịch tập luyện.
Phía Nga cho rằng Triều Tiên là quốc gia được nêu trực tiếp là mục tiêu trong cuộc tập trận, tất nhiên không thể không lo ngại về an ninh của mình. Nga nhiều lần tuyên bố phản đối các hoạt động gây sức ép quân sự, chính trị như vậy đối với Bình Nhưỡng.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh phản ứng của Triều Tiên đối với cuộc tập trận không đúng luật pháp quốc tế, trong đó không thể chấp nhận tuyên bố đe dọa đánh đòn hạt nhân phủ đầu đối phương. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Bình Nhưỡng cần hiểu rằng tuyên bố trên đã đặt nước này vào thế đối đầu với cộng đồng quốc tế và là cơ sở luật pháp để quốc tế sử dụng sức mạnh quân sự chống lại chính Triều Tiên theo đúng quyền tự vệ quốc gia được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Chỉ vài giờ trước khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận mang tên “Giải pháp Then chốt” và “Đại bàng non” với quy mô lớn nhất từ trước tới nay vào sáng 7/3, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên ra tuyên bố coi các cuộc tập trận trên là "ngụy trang cho các cuộc tập dượt chiến tranh hạt nhân" chống lại nước này, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có hành động quân sự "tấn công phủ đầu" nhằm vào các mục tiêu của Hàn Quốc và Mỹ, nhấn mạnh "phương tiện tấn công hạt nhân".
Theo kế hoạch, cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ-Hàn Quốc diễn ra từ ngày 7/3-30/4 với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, trong đó có sự tham gia của 300.000 binh sĩ Hàn Quốc và 15.000 binh sĩ Mỹ.