Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn DPA của Đức ngày 2/1, ông Stoltenberg cho biết ý tưởng trên nhận được sự ủng hộ mạng mẽ của một số nước thành viên NATO. Do đó, khối hiệp ước quân sự này sẽ có các cuộc họp cấp bộ trưởng để thảo luận về vấn đề này và ông Stoltenberg sẽ đảm nhận vai trò chủ trì đàm phán. Theo DPA, ông Stoltenberg không nêu cụ thể các nước ủng hộ việc đề ra các mục tiêu tham vọng hơn về chi tiêu quốc phong nhưng nêu rõ mong muốn đạt thỏa thuận muộn nhất là vào hội nghị thượng đỉnh thường kỳ diễn ra tại thủ đô Vilnius của Lítva từ ngày 11-12/7 năm nay.
Giới quan sát nhận định các cuộc thảo luận này có thể dẫn tới nguy cơ nảy sinh mâu thuẫn mới trong nội bộ NATO về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Theo các nhà ngoại giao, các nước đồng minh ở phía Đông thường có những yêu cầu tài chính khắt khe hơn. Các nước như Ba Lan và Lítva cùng với Anh gần đây thường thể hiện ủng hộ những quy định nghiêm ngặt hơn.
Trong khi đó, Đức và một số đồng minh khác như Canada và Bỉ đang xem xét những ý tưởng ngược lại. Đến nay, chi tiêu cho quốc phòng của những nước này thấp hơn đáng kể so với mức 2% GDP. Ví dụ, Đức dự kiến chi khoảng 1,44% cho quốc phòng trong năm 2022 và theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW), kể cả khi Chính phủ Đức gần đây quyết định dành khoản vốn đặc biệt trị giá 100 tỷ euro cho quốc phòng thì về dài hạn cũng khó có thể giúp chi tiêu quốc phòng cải thiện. Ước tính, các nước NATO chỉ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024 và 2025. Theo các kế hoạch tài chính và dự báo tăng trưởng trước đây, trong 2 năm tới, chi tiêu quốc phòng của các nước trong NATO có thể giảm về mức 1,8% và 1,2%.
Dù không thể hiện quan điểm cá nhân ủng hộ yêu cầu áp mức 2% GDP là tối thiểu nhưng ông Stlotenberg cho rằng NATO cần đảm bảo năng lực phòng thủ tốt nhất có thể, đồng thời nêu rõ quan điểm rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng là điều không thể tránh.
Theo các dữ liệu của NATO, Hy Lạp đang đứng đầu về chi tiêu quốc phòng là 3,76% GDP, tiếp đến là Mỹ với 3,57% GDP. Tính về số tiền, Mỹ chi 822 tỷ USD (768 tỷ euro), hơn gấp đôi tất cả các nước đồng minh khác cộng lại. Đức chi khoảng 55,6 tỷ euro trong khi đứng đầu tại châu Âu là Anh chi 60,9 tỷ euro. Lần gần nhất NATO mâu thuẫn về vấn đề chi tiêu quốc phòng là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tại nhiệm và ông yêu cầu các nước còn lại tăng chi tiêu quốc phòng để cùng gánh vác sứ mệnh chung nếu không Washington sẽ rút khỏi khối này.