NATO sắp công bố gói an ninh mới cho Kiev, làm ‘cầu nối’ Ukraine với liên minh

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự định công bố một gói an ninh mới cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh thường niên tổ chức vào tháng 7 tới tại Washington.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) phát biểu bên cạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo chung ở Kiev vào ngày 29/4/2024. Ảnh: Getty Images

Gói an ninh này được các quan chức NATO miêu tả là “cầu nối” để đáp ứng nguyện vọng của Ukraine trở thành thành viên của liên minh trong bối cảnh khối liên minh quân sự này khẳng định sẽ không chấp thuận tư cách thành viên của Ukraine cho đến khi giao tranh với Nga kết thúc.

Theo tạp chí quốc phòng Defense News, dẫn lời bà Julianne Smith - Đại sứ Mỹ tại NATO, ngoài việc công bố gói an ninh mới vào vào tháng 7, ước tính có khoảng 32 quốc gia đang hoàn tất một loạt thỏa thuận song phương để hỗ trợ Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh, trong đó 13 quốc gia đã hoàn tất công việc đó cho đến nay.

Phát biểu tại hội nghị của Defense Writers Group ngày 3/6, đại sứ Smith cho hay: “Các đồng minh sẽ đưa ra một gói sản phẩm quốc phòng đóng vai trò là cầu nối cho tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh. Gói an ninh này sẽ là tiếng nói mà chúng tôi sử dụng để đáp ứng nguyện vọng trở thành thành viên của Ukraine. Một phần trong đó sẽ là thể chế hóa một số hỗ trợ song phương đang được cung cấp cho Ukraine để các hỗ trợ đó nằm dưới sự chỉ huy của NATO”.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng bày tỏ nguyện vọng xin gia nhập NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào năm ngoái tại Litva, yêu cầu này của Ukraine đã bị từ chối. Thay vào đó, NATO cung cấp cho Ukraine một gói hỗ trợ kéo dài nhiều năm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và giúp nước này thay thế các thiết bị thời Liên Xô.

Giới quan sát cho hay việc Ukraine chính thức gia nhập NATO sẽ cho phép Kiev viện dẫn điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh và có khả năng gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn với Nga. Năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Ukraine không thể gia nhập NATO trừ khi cuộc chiến với Nga kết thúc.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Kiev hồi tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hứa hẹn rằng “Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO”.

Hội nghị thượng đỉnh của liên minh năm na, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Theo đại sứ Smith, tại hội nghị này, các nước sẽ tập trung vào các kế hoạch phòng thủ và răn đe khu vực ở phía Bắc, Trung và Nam Âu.

“Hội nghị đánh dấu một sự thay đổi lớn trong toàn liên minh về phương thức các nước đầu tư, mua sắm, hợp tác để thực hiện các kế hoạch khu vực”.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ tập trung vào việc chia sẻ gánh nặng tài chính. Nữ đại sứ hy vọng hơn 20 quốc gia sẽ chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội tương ứng cho quốc phòng, mục tiêu do liên minh đặt ra.

“Chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi tiếp tục thúc đẩy và yêu cầu mọi thành viên trong liên minh vạch ra kế hoạch đạt được mức 2% trong vòng vài năm tới. Và tôi nghĩ 99% đồng minh đã lên sẵn kế hoạch”, bà Smith chia sẻ.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Defense News)
Cảnh báo mới nhất của ông Biden và ông Trump về xung đột Ukraine - Nga
Cảnh báo mới nhất của ông Biden và ông Trump về xung đột Ukraine - Nga

Trong khi Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden nói rằng nếu các nước phương Tây để Ukraine bị đánh bại trong cuộc xung đột, kết cục tương tự sẽ chờ đợi Ba Lan thì người tiền nhiệm Donald Trump cho rằng Liên bang Nga đang giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN