Myanmar tạm ngừng hành động quân sự chống các nhóm vũ trang

Quân đội Myanmar ngày 21/12 thông báo tạm ngừng mọi hành động quân sự chống lại các nhóm vũ trang hoạt động tại 5 khu vực trong vòng 4 tháng đến ngày 30/4/2019.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Myanmar trong một cuộc tuần tra. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông báo của Văn phòng Tư lệnh quốc phòng, trong thời gian không có chiến dịch của quân đội, các nhóm vũ trang sắc tộc sẽ đàm phán ngừng bắn và hòa bình với Trung tâm Hòa bình và Hòa giải Dân tộc.

Trong thời gian này, quân đội cũng có thể đàm phán với tất cả các nhóm vũ trang chưa ký thỏa thuận ngừng bắn ở các khu vực quân sự miền Bắc, Đông Bắc, Đông, Trung Đông, và tam giác quân sự, để họ tham gia Hiệp định ngừng bắn toàn quốc (NCA).

Thông báo trên kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang thực hiện cam kết 4 điểm đã nhất trí theo chính sách hòa bình 6 điểm của quân đội, không lợi dụng các thỏa thuận này và gây thiệt hại cho người dân địa phương. Quân đội cũng cam kết hợp tác và thực hiện đưa những người đã phải sơ tán vì xung đột trở về quê hương.

Thông báo trên của quân đội được đưa ra sau tuyên bố chung ngày 12/12 của lực lượng mang tên Liên minh các lực lượng sắc tộc miền Bắc, trong đó 3 nhóm vũ trang, bày tỏ ủng hộ nỗ lực của chính phủ nhằm tái hòa giải dân tộc và đem lại hòa bình trên cả nước.

3 nhóm trên gồm Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Tự do dân tộc Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA), đều bày tỏ sẵn sàng chung tay với các lực lượng của chính phủ nhằm giải quyết tranh cãi quân sự và các vấn đề chính trị thông qua đối thoại. Để đạt hòa bình trong thời gian sớm nhất và tạo ra một quy chế hòa bình, ba lực lượng trên hy vọng ngừng các hành động quân sự để mở đường cho cam kết chính trị nhằm đạt hòa bình và hòa giải dân tộc.

Đến nay, đã có 10 nhóm vũ trang ký NCA với Chính phủ Myanmar, kể từ khi thỏa thuận này ra đời tháng 10/2015. Còn lại 7 nhóm vũ trang Liên minh miền Bắc chưa ký NCA. Trong số này, 3 nhóm đã ký tuyên bố chung ngày 12/12.

Bích Liên (TTXVN)
Lý do LHQ yêu cầu truy tố hàng loạt tướng quân đội Myanmar
Lý do LHQ yêu cầu truy tố hàng loạt tướng quân đội Myanmar

Ngày 28/8, các điều tra viên Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá quân đội Myanmar đã có hành động vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng thiểu số Rohingya. Do vậy, nhóm điều tra LHQ đề nghị khởi tố Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN