Mỹ và Hàn Quốc cân nhắc phương án quân sự với Triều Tiên

Ngày 28/7, Lầu Năm Góc thông báo giới chức quân sự hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận các "phương án phản ứng quân sự" sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cùng ngày.

Đại tá Greg Hicks, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford, cho biết Tướng Dunford cùng Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, Tướng Lee Sun-jin sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ngày 4/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong cuộc điện đàm, ông Dunford và ông Harris đã bày tỏ cam kết không thể lay chuyển với liên minh Mỹ-Hàn. Ba quan chức quân sự này cũng thảo luận về các "phương án phản ứng quân sự". Đây là lần đầu tiên trong 2 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Dunford đề cập tới phương án quân sự trong một tuyên bố liên quan tới Triều Tiên.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa được Triều Tiên phóng ngày 28/7 dường như là loại "tầm trung". Theo bộ này, các thông số bay mà các hệ thống cảnh báo của Nga đo được cho thấy "các đặc điểm của một tên lửa đạn đạo tầm trung". Theo đó, tên lửa đã đạt độ cao 681 km và bay được 732 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản và không gây ra mối đe dọa nào với Nga. Trong vụ Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa hôm 4/7, Nga cũng cho rằng tên lửa được phóng là loại "tầm trung" bất chấp khẳng định của cả Bình Nhưỡng và Washington rằng đây là ICBM.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in vào sáng sớm 29/7 đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và lên án vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã phi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), "đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế". Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đề nghị thảo luận với Mỹ về việc triển khai bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Từ Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe cũng chỉ trích vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên ngày 28/7, coi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng và hiện hữu" đối với an ninh của Nhật Bản.

Trong một tuyên bố ngay trong đêm 28/7, Liên minh châu Âu (EU) gọi vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là sự vi phạm các nghĩa vụ của Bình Nhưỡng với các cam kết quốc tế cũng như các nghị quyết của HĐBA LHQ. EU hối thúc Triều Tiên kiềm chế các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và toàn cầu.


Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận thông tin Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào giữa đêm theo giờ địa phương, tức khoảng 22 giờ theo giờ Hà Nội. Theo quân đội Mỹ, tên lửa đã bay được 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Còn phía Nhật Bản xác định tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 45 phút trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Trong khi đó, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin quân đội cho biết Hàn Quốc phát hiện Triều Tiên phóng một vật thể nghi là tên lửa đạn đạo, được phóng từ tỉnh Jagang, miền Bắc của Triều Tiên vào lúc 23 giờ 41 phút (theo giờ địa phương).

Nếu được xác nhận, đây sẽ vụ phóng tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay. Vụ phóng gần đây nhất được Triều Tiên tiến hành hôm 4/7.

TTXVN/Tin Tức
Đối phó với tên lửa đạn đạo Triều Tiên, Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm THAAD vào cuối tuần tới
Đối phó với tên lửa đạn đạo Triều Tiên, Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm THAAD vào cuối tuần tới

Theo hãng tin AP, Mỹ sẽ tiến hành sớm nhất vào cuối tuần tới thêm một cuộc thử nghiệm Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN