Mỹ thông tin về đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng với Hàn Quốc

Ngày 18/12, nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ trong vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng với Hàn Quốc, James DeHart cho biết đoàn đàm phán Mỹ hiện "không tập trung" vào yêu cầu ban đầu là Seoul phải tăng gấp 5 lần đóng góp tài chính (lên 5 tỷ USD) để duy trì lực lượng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này (USFK). 

Chú thích ảnh
 Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận đổ bộ chung ở bờ biển Pohang, cách Seoul (Hàn Quốc) 374 km về phía đông nam tháng 4/2018. Ảnh tư liệu: EPA-EFE/TTXVN.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Korean Press, ông DeHart khẳng định những con số mà truyền thông Hàn Quốc đưa ra không phản ánh đúng nội dung mà hai bên đang đàm phán và con số thực tế mà hai bên thảo luận sẽ rất khác với mức đề xuất ban đầu của Mỹ. Quan chức đàm phán Mỹ cũng chỉ ra việc Hàn Quốc mua vũ khí của Mỹ cũng là một yếu tố cân nhắc quan trọng trong đàm phán chia sẻ gánh nặng chi phí duy trì hoạt động của USFK. 

Các phát biểu trên được đưa ra sau khi vòng đàm phán mới nhất giữa ông DeHart và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Eun-bo vừa kết thúc mà không đạt kết quả do hai bên không thể thu hẹp bất đồng về việc Seoul nên đóng góp bao nhiêu trong năm tới và những năm tiếp theo để chia sẻ chi phí duy trì 28.500 binh lính Mỹ đồn trú tại quốc gia này. Các thông tin cho rằng Mỹ ban đầu yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần số tiền đóng góp từ mức hiện tại là 870 triệu USD lên tới 5 tỷ USD đã dấy lên làn sóng phản đối tại Hàn Quốc. Nhiều người quan ngại những căng thẳng trong đàm phán thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng có thể ảnh hưởng tới hợp tác của hai đồng minh trong các lĩnh vực khác.

Trước thời điểm Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) sắp hết hiệu lực vào cuối năm nay, ông DeHart cũng cho biết phía Mỹ không muốn gia hạn thỏa thuận chỉ một năm mà muốn dài hơn và vấn đề này cũng đang được hai bên thảo luận. Trước đây, thỏa thuận của hai bên thường kéo dài tối đa 5 năm. Khi được hỏi về việc Washington có yêu cầu Seoul chia sẻ những chi phí cho các hoạt động quân sự không diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên nhưng vẫn giúp bảo vệ Hàn Quốc hay không, ông DeHart cho rằng việc chia sẻ một số chi phí là "hợp lý". Quan chức này khẳng định hiện hai bên chưa có hạn chót đàm phán cụ thể và đang nỗ lực tối đa, làm việc trong cả dịp năm mới và tháng 1/2020 để đạt được thỏa thuận.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần. Theo thỏa thuận hiện tại, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước.

Lê Ánh (TTXVN)
Mỹ và Hàn Quốc tiến hành vòng đàm phán mới về chia sẻ chi phí quốc phòng 
Mỹ và Hàn Quốc tiến hành vòng đàm phán mới về chia sẻ chi phí quốc phòng 

Ngày 24/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Washington và Seoul đã tổ chức một vòng đàm phán mới ở Hawaii về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì binh sĩ Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN