Ngày 6/1, truyền thông Đức đưa tin 87 xe tăng cùng xe jeep, súng cối của Mỹ đã được tiếp nhận từ 3 chiếc tàu cập cảng Bremerhaven của nước này.
Xe tăng M1A2 Abram của Mỹ được vận chuyển trên đường ray. |
Các thiết bị quân sự sau đó tiếp tục hành trình tới Ba Lan qua đường sắt và cuối cùng là phân phối khắp các nước Baltic, Bulgaria và Romania. Đại diện của quân đội Đức cho biết 900 toa hàng được vận chuyển trên đường sắt có tổng chiều dài 14km.
Việc tăng cường quân lực này là một phần thuộc chiến dịch có tên Atlantic Resolve của quân đội Mỹ được khởi động từ tháng 4/2014. Atlantic Resolve ra đời sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine châm ngòi và được coi là bước đi của Lầu Năm Góc nhằm đối trọng với tiềm lực quốc phòng Nga.
Tháng 12/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bày tỏ quan ngại rằng trong 10 năm qua, sự hiện diện quân sự của các nước thuộc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dọc biên giới phía Tây của Nga đã tăng 8 lần. Bộ trưởng Shoigu cũng đề cập tới các cuộc tập trận quân sự NATO tổ chức gần biên giới Nga như Anaconda vào tháng 6/2016.
Trong tháng 7/2016, NATO đã tổ chức hội nghị các bộ trưởng quốc phòng trong khối tại Warsaw (Ba Lan) và đi đến thống nhất cho phép triển khai 4.000 binh lính thành các tiểu đoàn đa quốc gia thuộc NATO tới Estonia, Latvia, Lithuania (Litva) và Ba Lan.
Bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc NATO cũng nhất trí đưa hệ thống phòng thủ tên lửa và radar tới Romania cũng như Ba Lan. Ngoài ra, Mỹ cũng dự kiến cử 1.000 binh sĩ nước này tới đồn trú ở Ba Lan.
Trong tháng trước, tờ Der Spiegel của Đức dẫn lời tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu Ben Hodges khẳng định Washington sẽ tiếp tục hoạt động quân sự ở châu Âu bất chấp viễn cảnh có sự phản đối của Tổng thống đắc cử Donald Trump-người trong thời gian tranh cử đã đề xuất kết thúc cam kết quân sự của Mỹ với châu Âu.