Ngày 3/2, Mỹ và Nga đã gia hạn 5 năm đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Theo đó, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. Đây là thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga.
Đài Sputnik dẫn lời ông Stoffer – hiện là Phó Giáo sư tại Đại học New Haven (Mỹ) – nhận định các đàm phán tương lai giữa Washington và Moskva sẽ tập trung vào việc hạ thấp mức giới hạn kể trên. Đặc biệt, hai bên sẽ cân nhắc giảm 1/3 lượng vũ khí nếu có thể.
Cựu quan chức ngoại giao Mỹ kiêm cựu Giám đốc Văn phòng Chống khủng bố tại Liên hợp quốc cho biết thêm hiện tại hệ thống xác minh và quy trình kiểm tra đã được đổi mới và cởi mở, giúp loại bỏ yếu tố gian lận. Ông cũng cho rằng hai bên nên bổ sung vũ khí siêu thanh vào các hiệp ước mới do sức mạnh khó lường của chúng.
Về vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Howard Stoffer cảnh báo rằng hiện nay không có biện pháp nào để xác định vị trí của chúng ngoại trừ đi kiểm tra trực tiếp. Tuy vậy, một số loại vũ khí lại rất nhỏ, có thể dễ dàng che giấu.
Ông Stoffer khẳng định hai cường quốc cũng nên giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Ông cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là một sai lầm lớn, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng nó có thể được đưa trở lại hiệu lực.
Cựu quan chức này hy vọng Mỹ và Nga sẽ giảm số lượng đầu đạn 5 năm một lần để đến năm 2050 hoặc năm 2060, vũ khí hạt nhân không còn là mối đe dọa hiện hữu. Ông nhấn mạnh: “Để tất cả những điều trên diễn ra, chúng ta cần có mối quan hệ tốt hơn nhiều giữa Nga và Mỹ”.
Ngoài ra, ông Stoffer cũng bày tỏ sự thiếu lạc quan về khả năng Trung Quốc gia nhập một thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược trong tương lai, quy định Bắc Kinh chỉ được phép nắm giữ 300 đầu đạn.