Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel xác nhận thông tin trên hôm 30/5 khi trả lời câu hỏi về phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng Moskva có thể cân nhắc các bước răn đe hạt nhân bổ sung nếu Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất (IRBM) đến Ấn Độ Dươnh - Thái Bình Dương.
Ông Patel nói rõ: “Mỹ không coi việc đưa vũ khí hạt nhân đến Ấn Độ-Thái Bình Dương ở thời điểm này là cần thiết. Mỹ cũng không có kế hoạch trong tương lai triển khai vũ khí hạt nhân đến Bán đảo Triều Tiên”.
Trong cuộc trả lời phỏng vẫn hãng truyền thông Nga Rossiya Segodnya, Ngoại trưởng Lavrov chia sẻ rằng Moskva có thể xem xét các bước bổ sung để tăng cường răn đe hạt nhân trong trường hợp Mỹ triển khai IRBM tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra ý tưởng tái triển khai vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc để phòng vệ tốt hơn trước các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên. Tuy nhiên, ý tưởng này gây nhiều tranh cãi.
Mỹ đã rút vũ khí hạt nhân khỏi Bán đảo Triều Tiên từ năm 1991. Kể từ đó, Hàn Quốc tuân thủ vai trò phi hạt nhân và dựa vào cam kết an ninh của Mỹ, trong đó có việc sử dụng tài sản hạt nhân của Washington để bảo vệ các đồng minh trong trường hợp xảy ra sự việc bất ngờ.
Cũng trong buổi họp báo ngày 30/5, ông Patel đã chỉ trích việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo trong tuần này.