Mỹ đưa ra đề nghị mới với Ấn Độ liên quan đến vũ khí Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington sẽ yêu cầu New Delhi mua vũ khí của Mỹ để thay thế trang thiết bị quân sự từ Nga.

Theo kênh RT (Nga) ngày 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết việc Ấn Độ tiếp tục mua các hệ thống vũ khí của Nga là "không phải lợi ích tốt nhất của họ", đồng thời sẽ đề nghị New Delhi chuyển sang mua một số hệ thống vũ khí của Mỹ và đồng minh. 

Ấn Độ là nhà nhập khẩu quân sự lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào Nga gần một nửa nguồn cung vũ khí từ bên ngoài.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Kommersant

Theo ông Austin, Mỹ có “những hệ thống vũ khí tốt nhất trên thế giới” và sẽ cung cấp chúng cho New Delhi. 

“Chúng tôi tiếp tục làm việc với [Ấn Độ] để họ thấy rằng việc tiếp tục đầu tư vào thiết bị của Nga không phải là lợi ích tốt nhất của họ. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đề nghị họ giảm mua các loại thiết bị mà họ đang đầu tư và tăng chi tiêu nhiều hơn vào những loại vũ khí để tương thích với phương Tây”, ông Austin nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Austin không phải là quan chức Mỹ đầu tiên nói về việc thúc đẩy bán vũ khí cho Ấn Độ. Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 3 tỷ USD với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào năm 2020, bán trực thăng Apache và tên lửa Hellfire cho Ấn Độ. 

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, bất chấp sự gia tăng doanh số trên, Mỹ vẫn chỉ là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba của Ấn Độ, cung cấp 12% lượng vũ khí nhập khẩu của New Delhi trong giai đoạn 2017-2021. Pháp cung cấp 27% vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ, trong khi Nga cung cấp 46%. 

Mối quan hệ đối tác Nga-Ấn hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Ấn Độ, với tư cách là thành viên sáng lập của Phong trào Không liên kết, mua vũ khí từ Liên Xô mà không tham gia vào một liên minh chính thức với Liên Xô. Theo một số nhà phân tích, 85% các hệ thống vũ khí chính của Ấn Độ hiện nay có nguồn gốc từ Nga hoặc Liên Xô.

Chúng bao gồm máy bay chiến đấu Su-30, MiG-21 và MiG-29 của Không quân Ấn Độ, xe tăng chiến đấu chủ lực T90MS của Lục quân Ấn Độ và tàu sân bay duy nhất của Hải quân Ấn Độ, INS Vikramaditya do Nga chế tạo. Hơn nữa, bất chấp sức ép lớn từ Washington, bao gồm cả những đe dọa trừng phạt, New Delhi vẫn thúc đẩy việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Lời kêu gọi của ông Austin đối với việc mua vũ khí của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh Mỹ gây áp lực buộc các cường quốc khác trên thế giới ủng hộ nỗ lực cô lập Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong khi các quốc gia châu Âu tập trung vào vấn đề trừng phạt Nga - thậm chí gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ - thì Ấn Độ vẫn từ chối từ bỏ lập trường trung lập và tiếp tục giao dịch với Nga, bất chấp sự phản đối của Nhà Trắng.

Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ, G7 và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga
Mỹ, G7 và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga

Ngày 6/4, Mỹ, cùng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do liên quan tới xung đột ở Ukraine

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN