Mỹ điều Lực lượng Vũ trụ tới sa mạc ở nước ngoài

Lực lượng Vũ trụ mới thành lập của Mỹ đã được triển khai tới khu vực sa mạc rộng lớn ngoài lãnh thổ nước này.

Chú thích ảnh
Lực lượng Vũ trụ được thành lập năm 2019. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Lực lượng Vũ trụ đã nhận nhiệm vụ đầu tiên ở nước ngoài tại căn cứ Không quân Al-Udeid ở Qatar.

Tổng thống Donald Trump đã thành lập Lực lượng Vũ trụ và đây là “tân binh” của Mỹ kể từ khi Không quân thành lập năm 1947.

Trong tương lai, chiến tranh có thể diễn ra ở ngoài vũ trụ, nhưng nhiều chuyên gia cũng gọi sa mạc Arab là nơi diễn ra “chiến tranh vũ trụ” đầu tiên của thế giới với chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991. Tại khu vực này, Mỹ phải đối mặt với thách thức mới về nguy cơ bị tấn công từ vệ tinh, chương trình tên lửa Iran.

Đại tá Todd Benson – lãnh đạo Lực lượng Vũ trụ tại căn cứ Al-Udeid - phân tích: “Chúng ta đang thấy ngày càng nhiều quốc gia kích động, chuẩn bị đưa xung đột lên vũ trụ. Chúng ta phải cạnh tranh và bảo vệ mọi lợi ích quốc gia”.

Lực lượng Vũ trụ sẽ nhận nhiệm vụ điều hành vệ tinh, theo dõi kẻ thù và ngăn chặn xung đột trong vũ trụ. Năm 2018, Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn lực lượng vũ trụ Mỹ có khả năng “đánh chặn, phá hủy và thao túng đối thủ để bảo vệ lợi ích, tài sản, sinh mệnh người dân Mỹ”.

Tuy nhiên, nhiều chính khách Mỹ coi Lực lượng Vũ trụ với dự kiến gồm 16.000 binh sĩ và ngân sách 2021 là 15,4 tỷ USD thực chất là dự án hư ảo của Tổng thống Trump trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Trái lại, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng việc hình thành lực lượng vũ trụ là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở thời điểm vũ trụ ngày càng trở nên cạnh tranh. Điều này manh nha từ năm 1991 trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh khi quân đội Mỹ dựa vào GPS để thông tin cho binh sĩ về vị trí của họ trên sa mạc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump bên cạnh cờ của Lực lượng Vũ trụ. Ảnh: Reuters

Việc triển khai thành viên Lực lượng Vũ trụ tới căn cứ Al-Udeid diễn ra nhiều tháng sau căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran. Chính quyền Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng Đức) và trong tháng 1 vừa qua. Không quân Mỹ đã sát hại chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani. Đáp lại, Iran đã phóng tên lửa đạn đạo vào vị trí của binh sĩ Mỹ tại Iraq.

Mùa xuân năm nay, IRGC đã phóng vệ tinh đầu tiên của lực lượng này vào vũ trụ. Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cơ quan vũ trụ của Iran kèm cáo buộc Tehran phát triển tên lửa đạn đạo dưới vỏ bọc phóng vệ tinh.

Nhiều quan chức Mỹ lại cho rằng Nga và Trung Quốc là những đối thủ đáng gờm trong vũ vụ. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper từng cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí có thể tiêu diệt vệ tinh của Mỹ với nguy cơ khiến nhiều mảnh vỡ trôi nổi trong không trung, gây tê liệt mạng điện thoại di động và ảnh hưởng tới dự báo thời tiết, máy bay không người lái, chiến đấu cơ, tàu sân bay và thiết bị kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Mỹ khẳng định rằng việc triển khai Lực lượng Vũ trụ là nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ, không phải vì mục tiêu chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ. Đại tá Benson nhấn mạnh: “Quân đội Mỹ muốn một vũ trụ hòa bình. Chính hành động của các quốc gia khác đã đẩy chúng tôi tới vị trí này”.

Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, Mỹ đã vận hành Bộ Chỉ huy Không gian, sau này trở thành một bộ phận của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) từ năm 2002.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nhật Bản lên kế hoạch thành lập lực lượng vũ trụ
Nhật Bản lên kế hoạch thành lập lực lượng vũ trụ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 17/9 cho biết Lực lượng phòng vệ trên không trong tương lai có thể phát triển thành Lực lượng phòng vệ trên không và vũ trụ với nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN