Theo Lầu Năm Góc, Iran đã chi tiêu ít hơn cho lĩnh vực quốc phòng, với ngân sách trong năm 2017 chỉ là 20,7 tỷ USD. Nền kinh tế nước này đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Tehran.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cho biết: "Iran có một chương trình phát triển tên lửa quy mô lớn và độ tinh vi của các vũ khí tên lửa vẫn tiếp tục gia tăng, bất chấp các nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm kiềm chế sự tiến bộ của chương trình này".
Theo cơ quan trên, Iran coi tên lửa là một nhu cầu chiến lược để bù đắp những hạn chế về không quân, trong bối cảnh nước này vẫn đang phải sử dụng một số máy bay của Mỹ được chính quyền cũ đặt mua từ trước năm 1979. Iran hiện đã phát triển một loạt các tên lửa có thể tấn công ở khoảng cách 1.250 dặm (tương đương 2.000 km) - có khả năng vươn tới Israel hay Saudi Arabia. Trong năm 2017, Iran cũng đã trình diễn tên lửa Khoramshahr với tầm bắn 2.000km, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
Nước Cộng hòa Hồi giáo đã phải chịu các lệnh cấm nhập hầu hết vũ khí của Liên hợp quốc kể từ năm 2006. Tuy nhiên, lệnh cấm này dự kiến sẽ hết hạn sau 5 năm thực thi Thỏa thuận JCPOA. Chuyên gia Christian Saunders thuộc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cho rằng một khi những hạn chế này hết hạn vào tháng 10/2020, Tehran sẽ có cơ hội đạt được một số năng lực tiên tiến vượt quá tầm với trong nhiều thập kỷ.