Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) - cơ quan giám sát chương trình bán khí tài cho nước ngoài của Lầu Năm Góc - ngày 9/11 thông báo kế hoạch bán các máy bay vận tải hạng nặng và máy bay tiếp nhiên liệu trị giá 6,7 tỷ USD cho Arập Xêút.
Trong một thông cáo, DSCA cho biết Mỹ sẽ bán cho Arập Xêút 20 chiếc máy bay C-130J-30 và 5 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu loại KC-130J nhằm củng cố phi đội máy bay "đã xuống cấp" của quốc gia Trung Đông này. Thương vụ trị giá hàng tỷ USD này cũng bao gồm các chi phí huấn luyện, công tác hỗ trợ hậu cần cùng các bộ phận và thiết bị đi kèm của máy bay.
Một chiếc C-130J-30. Ảnh: internet |
Theo DSCA, bằng cách hỗ trợ việc cải thiện khả năng quốc phòng tại Arập Xêút, thỏa thuận này sẽ đóng góp vào các chính sách đối ngoại, góp phần củng cố nền an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đóng vai trò là một động lực quan trọng để duy trì sự ổn định chính trị và kinh tế tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, DSCA cũng nhấn mạnh thương vụ mua bán vũ khí trên sẽ không làm "thay đổi thế cân bằng quân sự cơ bản" tại khu vực này.
Bản báo cáo về thỏa thuận này đã được trình lên Quốc hội Mỹ xem xét hôm 8/11 vừa qua. Các nghị sĩ sẽ có 30 ngày kể từ khi bản báo cáo được trình lên để quyết định có phản đối hay không. Các nhà thầu tham gia đấu thầu hợp đồng này sẽ là 3 hãng chế tạo thiết bị quân sự hàng đầu của Mỹ gồm tập đoàn Lockheed Martin, General Electric Aviation Systems và Roll Royce.
Hồi cuối tháng 12/2011, Mỹ cũng đã công bố một thỏa thuận trị giá 30 tỷ USD cung cấp 84 máy bay chiến đấu F- 15 và nâng cấp hơn 70 chiến đấu cơ khác cho Arập Xêút. Trước đó một năm, Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Arập Xêút trong 10 năm, có tổng giá trị lên tới 60 tỷ USD, trong đó gồm có các máy bay chiến đấu F-15, máy bay trực thăng và một lượng lớn các tên lửa, bom và hệ thống tiếp vận cũng như hệ thống cảnh báo bằng rađa và thiết bị "mắt cú" nhìn ban đêm.
Arập Xêút hiện được đánh giá là một trong những khách hàng mua nhiều vũ khí nhất trong thế giới các nước đang phát triển. Ước tính từ năm 2001 đến năm 2008, vương quốc dầu mỏ ở Trung Đông này đã tiêu tốn khoảng 36,7 tỷ USD tiền mua sắm thiết bị quốc phòng.
TTXVN/Tin tức