Kênh DW (Đức) nhận định rằng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng sau cuộc tấn công bất ngờ mới nhất của quân đội Ukraine tại khu vực Kursk. Cho đến nay, Kiev vẫn im lặng, tương tự như giai đoạn tháng 8/2024 khi quân đội nước này lần đầu tiên tiến vào Kursk.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/1 cho biết đã có báo cáo về việc Ukraine "nỗ lực tiến công" vào Bolshesoldatsky, cách thủ phủ Kursk khoảng 80 km về phía Tây Nam. Nga cho biết đã phá hủy 4 xe tăng, 16 xe chiến đấu bọc thép và 1 xe rà phá bom mìn.
Tin tức về cuộc tiến công mới của Ukraine nhằm vào Kursk đã xuất hiện từ sáng 5/1. Các blogger Nga đã chia sẻ video cho thấy một số xe tăng của Ukraine trên các cánh đồng và con đường phủ đầy tuyết.
Đối với các nhà quan sát, cuộc tấn công của Kiev không phải là ngẫu hứng. Vào tháng 12/2024, Đại tá Markus Reisner, chuyên gia quân sự người Áo, dự đoán với DW rằng cuộc tấn công như vậy là có khả năng xảy ra. Ông nhận định Ukraine sẽ cố gắng chứng minh với các đồng minh về tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev, trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Tổng thống đắc cử Trump nhiều lần tuyên bố rằng ông có ý định chấm dứt xung đột Nga - Ukraine càng sớm càng tốt, mặc dù ông không nói rõ bằng cách nào. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tỏ ra hoài nghi về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, kế hoạch thực sự của Tổng thống đắc cử Trump sẽ chỉ rõ ràng hơn sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1.
Nhưng ông Reisner cũng đánh giá có một số động cơ khác đằng sau cuộc tấn công này. Đầu tiên, quân đội Ukraine đã phải chịu áp lực ngày càng tăng ở khu vực Kursk và đánh mất khoảng một nửa diện tích mà họ chiếm đóng cách đây 5 tháng. Hơn nữa, phần diện tích của Kursk rộng khoảng 500 km vuông hiện nằm dưới kiểm soát của Ukraine đang bị Nga tấn công ở ba phía. Ông Reisner cho rằng bước tiến mới nhất có thể là một nỗ lực thoát khỏi vòng vây này.
Chuyên gia về quân sự tại tạp chí Anh The Economist – ông Shashank Joshi cũng đề cập đến một số lý do khả thi khác.
Theo ông Joshi, Ukraine tiến công để khiến lực lượng Nga phải chuyển về thế phòng thủ. Bên cạnh đó, ông cũng không loại trừ khả năng cuộc tấn công của Ukraine có thể đóng vai trò là con bài mặc cả trước các cuộc đàm phán ngoại giao dự kiến diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức. Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng các vị trí của Ukraine ở Kursk là "quan trọng" vì chúng sẽ đóng vai trò trong các cuộc đàm phán tương lai.
Hơn thế nữa, ông Joshi cho rằng cuộc tấn công của Ukraine cũng có thể là hành động đánh lạc hướng.
Ông Markus Reisner bày tỏ: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến một vài điều bất ngờ liên quan đến ngày 20/1".
Các chuyên gia đều đồng tình rằng bước tiến mới của Ukraine có thể rủi ro. Nhưng lợi thế chính trị lớn hơn rủi ro. Ông Joshi bổ sung rằng nếu Ukraine giữ kiểm soát được Kursk, điều đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến tình hình của khu vực trong những tháng tới. "Vì vậy, đó là rủi ro được tính toán", ông Joshi kết luận.