Lý do lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu chậm triển khai

Mạng lưới phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại Đông Âu mới chỉ hoạt động một phần sau nhiều lần trì hoãn và thất bại trong các cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa, cũng như vì một số khúc mắc với chủ thầu tại Ba Lan.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại căn cứ hải quân Deveselu, Romania. Ảnh: Stars and Stripes 

Đài Sputnik dẫn báo cáo mới nhất của Văn phòng Giải trình Trách nhiệm Chính phủ (GAO) cho biết trong năm 2018, chỉ có 7 trên tổng số 11 lần thử nghiệm phóng tên lửa được triển khai. Hơn nữa, các vấn đề liên quan đến chủ thầu xây dựng đã dẫn đến kết quả là tổ hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại Ba Lan bị trễ hạn chuyển giao 18 tháng so với kế hoạch ban đầu (tháng 12/2018).

Đối với địa điểm lắp đặt hệ thống Aegis Ashore tại Ba Lan, báo cáo cũng cho biết giới chức phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh với chủ thầu xây dựng. "Bất chấp những nỗ lực cải thiện vấn đề, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa nhận thấy hiệu quả công việc của nhà thầu vẫn đặc biệt yếu kém trong lĩnh vực quản lý xây dựng, xác định, thu mua, chuyển giao các vật liệu quan trọng và thuê nhân viên có kỹ năng phù hợp", báo cáo nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Romania, mặc dù đã 3 năm kể từ khi hệ thống phòng thủ được công bố đi vào hoạt động, các đánh giá của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho thấy hệ thống tại đây vẫn vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó hệ thống làm mát luôn gặp trục trặc.

Từ lâu, các tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis Ashore của Mỹ đang triển khai tại châu Âu luôn bị phía Nga chỉ trích vì cho rằng hệ thống này có thể dễ dàng chuyển đổi thành vũ khí tấn công.

Nga nhiều lần lên án động thái triển khai Aegis Ashore có thể làm suy yếu sự ổn định chiến lược, và hệ thống được xây dựng tại Ba Lan và Romania bị coi là vi phạm quy định đề ra trong Hiệp ước các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Theo giới chức Nga, bệ phóng MK-41 dùng trong tổ hợp Aegis Ashore có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk tích hợp đầu đạn hạt nhân. Năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc triển khai hệ thống Aegis Ashore tại Romania đã buộc quân đội Nga phải đưa địa điểm lắp đặt hệ thống vào danh sách mục tiêu cần phá hủy trong trường hợp bùng phát xung đột.

Về phần mình, Washington bác bỏ những tuyên bố trên, đảm bảo với Moskva rằng hệ thống Aegis Ashore chỉ được kích hoạt để đánh chặn tên lửa tấn công.

Ngày 6/6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg gặp gỡ quan chức Nga khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu chỉ để “đối phó với các mối đe dọa bên ngoài khu vực Âu-Đại Tây Dương… chứ không phải đối phó với Nga”.

Hồi tháng 2, Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF – một thỏa thuận vũ khí được Liên Xô và Mỹ ký kết vào năm 1987 với cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành dự luật đình chỉ Hiệp ước INF. Đây là bước thủ tục cuối cùng để chính thức hóa việc Nga rút khỏi INF. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang sau khi rút khỏi INF.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Mỹ tăng cường đầu tư căn cứ quân sự tại Đông Âu
Mỹ tăng cường đầu tư căn cứ quân sự tại Đông Âu

Phóng viên TTXVN tại Đông Âu dẫn nguồn Thông tấn xã Sofia ngày 16/8 cho biết, Mỹ có kế hoạch đầu tư gần 27 triệu USD để nâng cấp các căn cứ quân sự tại Romania và Bulgaria vào năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN