Lý do EU chỉ viện trợ máy bay chiến đấu 'đời cũ' cho Ukraine

Các nước phương Tây có nhiều máy bay chiến đấu hiện đại như Rafale, Typhoon hoặc F-16, nhưng không thể viện trợ cho Ukraine để đối đầu với lực lượng không quân hùng mạnh của Nga.

Theo Thời báo Âu-Á (eurasiantimes.com) ngày 1/3, một quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, trong một động thái quan trọng, các nước thành viên EU sẽ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, nước đang bị lực lượng Nga tấn công.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu MiG-29. Ảnh: eurasiantimes.com

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU mới đây tuyên bố khối này sẽ cung cấp tiền cho Ukraine để mua máy bay chiến đấu từ các quốc gia thành viên.

“Chúng tôi sẽ cung cấp cả máy bay phản lực chiến đấu. Chúng tôi không chỉ nói về đạn dược. Chúng tôi đang cung cấp những vũ khí quan trọng hơn để tham chiến”, ông Borrell nói trong một cuộc họp báo. 

Tờ Wall Street Journal đưa tin đây chỉ là một phần trong gói hỗ trợ quân sự trị giá 450 triệu Euro cho Ukraine. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ là bên cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine?

Các nước châu Âu hiện vận hành và sản xuất một số máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, ví dụ Eurofighter Typhoon, Rafale và Saab Gripen. Ông Borrell không nói rõ loại máy bay nào sẽ được chuyển cho Ukraine, chỉ lưu ý rằng đó sẽ là những chiếc mà Không quân Ukraine đang sử dụng.

Một chuyên gia giấu tên nói rằng EU sẽ không trang bị cho Ukraine các máy bay chiến đấu của phương Tây vì nước này không có thời gian để đào tạo phi công cho các máy bay phản lực mới. Cung cấp cho Kiev những máy bay chiến đấu mà họ đã hoặc đang sử dụng là phương pháp nhanh nhất để giúp tham chiến.

Ông Borrell cũng nói rằng Ukraine đã thông báo cho EU "họ cần loại máy bay chiến đấu mà quân đội Ukraine có thể vận hành, một số quốc gia thành viên có loại máy bay này". Các phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine bao gồm MiG-29 Fulcrum và Su-27 Flanker, cả hai đều do Liên Xô trước đây thiết kế, chế tạo. Máy bay Su-27 không được sử dụng bởi bất kỳ quốc gia EU nào.

Điều này cho thấy việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 đã được thảo luận giữa Ukraine và EU. Các nước thành viên EU là Ba Lan, Slovakia và Bulgaria đều có các biến thể Fulcrum trong phi đội của họ. Các máy bay chiến đấu này có thể dễ dàng vận chuyển và đưa vào biên chế cho Ukraine.

Cũng có thể một số thành viên EU khác có máy bay chiến đấu tương tự nhưng không công khai. Cho dù khả năng hoạt động của các máy bay phản lực này không ở điều kiện tốt nhất, chúng vẫn có thể được sử dụng làm nguồn cung cấp phụ tùng thay thế. 

Romania và Croatia, hai thành viên NATO, đang vận hành các mẫu MiG-21 cũ hơn, nhưng đã được cải tiến nhiều. Ukraine hiện không vận hành MiG-21. Những chiếc máy bay này cũng có thể được cung cấp trong trường hợp khẩn cấp, dù cơ hội là khá thấp. 

Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với kho máy bay chiến đấu Su-22 cũ của Ba Lan, nhưng nếu xung đột kéo dài, MiG-29 vẫn là lựa chọn hấp dẫn hơn.

Bulgaria vẫn vận hành máy bay tấn công mặt đất Su-25 Frogfoot, loại máy bay này cũng đang được sử dụng ở Ukraine và rất quan trọng trong cuộc xung đột.

Alexandre Krauss, cố vấn chính sách cho các thành viên của Renew Europe, một "nhóm chính trị ủng hộ châu Âu trong Nghị viện châu Âu", đã đăng trên Twitter vào ngày 28/2 rằng các máy bay phản lực này sẽ "bay trên bầu trời Ukraine trong vòng một giờ". Tuy nhiên, ông không tiết lộ loại máy bay phản lực có trong gói hàng không quân sự của EU viện trợ cho Ukraine hay không.

Tương tự, một nhà ngoại giao châu Âu nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post rằng Ukraine đã sẵn sàng nhận các máy bay phản lực do Nga sản xuất từ ​​Bulgaria, Slovakia và Ba Lan. Điều này cho thấy rằng các máy bay MiG-29, cũng như có thể cả Su-25, sẽ sớm được chuyển giao. 

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Mỹ và EU không thể giúp Ukraine trang bị máy bay chiến đấu mới nhất vì họ đang hỗ trợ khí tài quân sự tối tân, bao gồm cả tên lửa chống tăng rất uy lực. 

Thực tế, Ukraine hiện không có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu của châu Âu hay Mỹ như Rafale Typhoon hoặc F-16, trong khi việc huấn luyện để sử dụng chúng cần có thời gian nhất định. Nếu phi công Ukraine không thể lái chúng, thì họ sẽ cần các phi công phương Tây để vận hành và chiến đấu với máy bay phản lực của Nga. Điều này theo nghĩa đen có nghĩa là tuyên chiến với Nga mà rõ ràng sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc không thể tránh khỏi.

Vì vậy, lựa chọn duy nhất là cung cấp cho Ukraine những chiếc máy bay mà nước này có thể vận hành và bay với phi công của chính mình. Do các cuộc đàm phán đang diễn ra và Nga vẫn chưa thực sự phát động một cuộc chiến toàn diện nhằm vào Ukraine, nên mục đích chung của EU là gây sức ép lên Moskva chứ không thực sự tham gia vào các cuộc không chiến.

Công Thuận/Báo Tin tức
Những điều chỉnh chính sách quan trọng của Đức do xung đột Ukraine-Nga 
Những điều chỉnh chính sách quan trọng của Đức do xung đột Ukraine-Nga 

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đánh dấu một bước ngoặt trong chính trường Đức. Nhiều nguyên tắc lâu đời của nước này đã bị đảo ngược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN