Theo hãng tin AP, trong khi các cuộc tấn công giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban tăng mạnh trong tuần này, ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng xung đột có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực.
Đài truyền hình CNN cho hay Hezbollah nhấn mạnh rằng Israel đã vượt qua “lằn ranh đỏ” bằng các cuộc tấn công quy mô khi cho phát nổ các thiết bị liên lạc của nhóm này. Hezbollah cam kết sẽ tiếp tục các cuộc tấn công tên lửa mà nước này đã thực hiện trước đó kể từ tháng 10/2023, sau khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra.
Trong một tuyên bố ngày 19/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã tuyên bố cuộc chiến tại Trung Đông đã bước sang "giai đoạn mới", chuyển trọng tâm sang mặt trận phía Bắc chống Hezbollah.
Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu tăng cường hoặc thay đổi lực lượng quân sự tại khu vực sau các cuộc tấn công mới nhất.
Ngày 19/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết: “Chúng tôi tin vào khả năng hiện có của chúng tôi có thể bảo vệ lực lượng của mình và cũng sẽ bảo vệ Israel trong trường hợp cần thiết”.
Trong khi đó, một quan chức quân sự giấu tên khác cho biết các nguồn lực của lực lượng Mỹ ở khu vực đã giúp ích khi Mỹ chứng kiến nhiều cuộc xung đột khác nhau, bao gồm các hoạt động nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, bảo vệ Israel và chống các mối đe dọa từ lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Dưới đây là quy mô quân lực của Mỹ tại Trung Đông trong bối cảnh các cuộc giao tranh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại đây.
Binh sĩ
Thông thường, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), phụ trách toàn bộ khu vực Trung Đông, gồm khoảng 34.000 binh sĩ. Số lượng quân đã được tăng lên khoảng 40.000 người trong những tháng đầu nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas. Vào thời điểm đó, các tàu và máy bay cũng đã được chi viện thêm.
Vài tuần trước, tổng số quân đã tăng lên gần 50.000 người khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ra lệnh cho hai tàu sân bay và các tàu chiến đi kèm ở lại khu vực khi căng thẳng bùng phát giữa Israel và Liban.
Tàu chiến
Các tàu chiến của Hải quân Mỹ nằm rải rác khắp khu vực, trải dài từ phía đông Địa Trung Hải đến Vịnh Oman.
Hiện tàu sân bay USS Abraham và 3 tàu khu trục trong đội cũng đang hoạt động tại Vịnh Oman, trong khi hai tàu khu trục khác của Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ. Tàu ngầm được trang bị tên lửa dẫn đường USS Georgia cũng tới Biển Đỏ vào tháng trước, theo lệnh của bộ chỉ huy CENTCOM. Tuy nhiên, vị trí của tàu không được tiết lộ.
Ngoài ra, còn 6 tàu chiến khác của Mỹ hoạt động ở phía Đông Biển Địa Trung Hải, bao gồm tàu tấn công đổ bộ USS Wasp chở theo Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26. Ba tàu khu trục của Hải quân cũng đang ở cùng khu vực.
Chiến đấu cơ
Khoảng 6 máy bay chiến đấu F/A-18 thuộc tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã được chuyển đến căn cứ trên đất liền trong khu vực song không được tiết lộ vị trí.
Hồi tháng trước, Không quân Mỹ đã điều động thêm một đội máy bay chiến đấu F-22 tiên tiến, nâng tổng số đội chiến đấu cơ ở Trung Đông lên 4 đội, bao gồm một đội máy bay tấn công mặt đất A-10 Thunderbolt II, một đội F-15E Strike Eagles và đội chiến đấu cơ F-16.
Theo giới chuyên gia, các chiến đấu cơ F-22 của Mỹ là vũ khí khó bị phát hiện, có bộ cảm biến tinh vi để trấn áp hệ thống phòng không của đối phương và thực hiện các cuộc tấn công điện tử.
Tuy nhiên, hồi tháng 2, Mỹ cũng cho thấy rằng họ không cần phải có máy bay sẵn sàng ở Trung Đông để tấn công các mục tiêu. Thời điểm đó, một cặp máy bay ném bom B-1 đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Dyess ở bang Texas và bay hơn 30 giờ trong một nhiệm vụ tính cả giờ bay về, tấn công 85 mục tiêu của Lực lượng Quds – nhánh nhỏ trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở Iraq và Syria nhằm trả thù cho 3 cái chết của quân nhân Mỹ.