Lịch sử dòng tiêm kích F-7 Trung Quốc sản xuất vừa gặp nạn ở Bangladesh

Một máy bay huấn luyện của Không quân Bangladesh do Trung Quốc chế tạo, đã rơi tại thủ đô Dhaka khiến nhiều người thương vong.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ rơi máy bay của Không quân Bangladesh tại Dhaka ngày 21/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Vụ việc xảy ra vào chiều 21/7 theo giờ địa phương, khi máy bay huấn luyện F-7 BGI rơi xuống khuôn viên Trường Cao đẳng và Đại học Milestone ở khu vực Uttara, thủ đô Dhaka, khiến 31 người thiệt mạng cùng nhiều trường hợp khác bị thương. Vụ tai nạn xảy ra không lâu sau khi F-7 BGI cất cánh.

Theo Jane’s Information Group, F-7 BGI là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, phiên bản cuối cùng và tiên tiến nhất của dòng Chengdu J-7/F-7 do Trung Quốc sản xuất.

Chengdu J-7 được sản xuất theo giấy phép của tiêm kích MiG-21 thời Liên Xô. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Chengdu J-7 chủ yếu được sử dụng cho mục đích huấn luyện cũng như một số nhiệm vụ chiến đấu hạn chế. Chengdu F-7 là biến thể xuất khẩu của J-7.

Không quân Bangladesh đã vận hành Chengdu F-7 kể từ những năm 1980. Dhaka đã ký hợp đồng mua 16 chiếc phiên bản F-7 BGI vào năm 2011 và việc giao hàng đã hoàn tất vào năm 2013. Đây cũng là lô cuối cùng được sản xuất.

Trung Quốc sản xuất Chengdu J-7/F-7 từ năm 1965 đến năm 2013, khiến nó trở thành một trong những dây chuyền sản xuất chiến đấu cơ lâu đời nhất tại nước này.

Nhờ giá thành phải chăng, Chengdu F-7 được xuất khẩu rộng rãi, đặc biệt là tới các quốc gia đang phát triển.

Đến cuối năm 2023, quân đội Trung Quốc đã cho dòng Chengdu J-7 “nghỉ hưu”. Tuy nhiên, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Ai Cập, Iran và Triều Tiên nằm trong số các quốc gia đã sử dụng hoặc vẫn đang sử dụng các biến thể của Chengdu F-7.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Pakistan là quốc gia sở hữu nhiều Chengdu F-7 nhất với 66 chiếc.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 22/7 đã gửi điện chia buồn tới cố vấn phụ trách đối ngoại của Chính phủ lâm thời Bangladesh – ông Touhid Hossain, về vụ rơi máy bay huấn luyện F-7 BGI của Không quân Bangladesh.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “bàng hoàng” khi hay tin chiếc máy bay của Không quân Bangladesh rơi tại thủ đô Dhaka khiến nhiều người thương vong. Ông bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân, gửi lời thăm hỏi chân thành tới gia quyến và những người bị thương, đồng thời chúc họ sớm bình phục.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Viễn cảnh Trung Quốc sản xuất tiêm kích như... điện thoại
Viễn cảnh Trung Quốc sản xuất tiêm kích như... điện thoại

Chuyên gia thiết kế chiến đấu cơ hàng đầu của Trung Quốc đánh giá rằng trong tương lai, máy bay quân sự nên được sản xuất giống như điện thoại di động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN