“Tôi nghĩ họ hoàn toàn có thể theo kịp và vượt mặt chúng ta. Những bước tiến mà họ đạt được thực sự rất nhanh”, Trung tướng Nina Armagno phát biểu tại một sự kiện ở Sydney ngày 28/11.
Nhà quan chức bày tỏ lo ngại về một loạt hoạt động của Trung Quốc trong không gian, từ việc tạo ra các hệ thống liên lạc vệ tinh mới và tàu vũ trụ có thể tái sử dụng đến nghiên cứu dài hạn về triển vọng khai thác các tiểu hành tinh và thậm chí các hành tinh để khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Trung tướng Armagno cho biết mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho Mỹ trong không gian tương tự như mối đe dọa trên Trái đất. “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có tham vọng vừa muốn định hình lại trật tự quốc tế vừa muốn tăng cường sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được mục tiêu đó”, nữ quan chức quân sự cảnh báo.
Trung tướng Nina Armagno tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hoạt động thử nghiệm tên lửa bất cẩn và làm ô nhiễm khu vực xung quanh Trái đất bằng rác không gian. “Những mảnh vụn này đã đe dọa tất cả các hệ thống của chúng ta trong không gian và những hệ thống này rất quan trọng đối với lợi ích an ninh, kinh tế và khoa học của tất cả các quốc gia”, Trung tướng Armagno nhấn mạnh.
Hiện Mỹ có nhiều vệ tinh quay quanh Trái đất hơn các nước còn lại của thế giới cộng lại. Các nhà thiên văn học trên khắp thế giới đã nhiều lần phản ánh về sự nguy hiểm mà các vệ tinh này gây ra cho hệ thống kính viễn vọng trên Trái đất, trong khi các chính phủ bày tỏ lo ngại rằng các vệ tinh thương mại của Mỹ có thể đã được trang bị các khả năng quân sự tiềm ẩn.
Mặc dù các quan chức Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên tìm cách quân sự hóa không gian song trong suốt 15 năm qua, Washington luôn phớt lờ các đề xuất của Moskva và Bắc Kinh nhằm tạo ra các quy tắc toàn diện, có thể ngăn chặn việc triển khai thiết bị quân sự trong không gian.
Năm 2008, Trung Quốc và Nga đưa ra đề xuất về Hiệp ước Ngăn chặn Chạy đua Vũ trang trong Không gian (PAROS), với dự thảo thỏa thuận cấm triển khai vũ khí trong không gian như tàu vũ trụ chống vệ tinh và công nghệ vũ trụ khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh các biện pháp ràng buộc về mặt pháp lý có thể ngăn chặn một cuộc đối đầu quân sự ngoài vũ trụ vẫn có thể được hình thành, với PAROS đóng vai trò là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ gần đây đều bác bỏ đề xuất của Nga-Trung Quốc, coi đó là mưu đồ ngoại giao của hai quốc gia nhằm đạt được lợi thế quân sự nhằm vào Mỹ. Năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức thành lập Lực lượng Không gian như một nhánh riêng của quân đội Mỹ, chính thức hóa tham vọng trên không gian của Lầu Năm Góc. Lực lượng Không gian đã được bổ sung hơn 8.400 nhân viên, 77 tàu vũ trụ và vệ tinh. Ngân sách đề xuất năm tài chính 2023 cho lực lượng này là 24,5 tỷ USD, nhiều hơn khoảng 5 tỷ USD so với ngân sách năm 2022.
Bên cạnh việc từ chối đàm phán các hiệp ước nhằm ngăn chặn quân sự hóa không gian, Washington cũng đã có một số động thái làm suy giảm sự ổn định chiến lược trên Trái đất, ví dụ như rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 2002, vhủy bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 2019 và gần như để mặc đến hạn chót Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).