Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tuần trước cảnh báo Bắc Kinh đã sẵn sàng tăng tốc cũng như rút kinh nghiệm từ những thất bại. Ngoài mối đe dọa trực tiếp mà chúng có thể gây ra đối với Mỹ, vũ khí siêu vượt âm do Trung Quốc phát triển có thể ảnh hưởng đến thế cân bằng sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương vào thời điểm căng thẳng đang âm ỉ trong khu vực.
Bình luận của Tướng Hyten được đưa ra một ngày sau khi Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, mô tả vụ thử nghiệm vũ khí của Trung Quốc là rất gần với "thời khắc Sputnik". Sự kiện này đề cập đến việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1957 trong cuộc chạy đua không gian giữa Moskva và Washington.
Giới phân tích nhận định nỗi lo sợ lớn nhất đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden chính là việc Bắc Kinh đạt được khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền Mỹ. Mùa hè vừa qua, tờ Finacial Times đưa tin Trung Quốc đã phóng thử một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bằng thiết bị lượn siêu vượt âm, bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trước khi nhắm xuống mục tiêu – thứ vũ khí về lý thuyết có thể vươn đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Theo báo Nikkei Asia, phạm vi mở rộng đáng kể này đã mở ra khả năng tấn công Mỹ từ phía Nam, theo đường bay qua Nam Cực. Điều này sẽ là rắc rối cho các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu được xây dựng để phòng ngừa các cuộc tấn công từ phía Bắc.
Chuyên gia James Acton tại Quỹ Carnegie vì hoà bình quốc tế lập luận rằng những vũ khí này sẽ không ngay lập tức làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự Trung-Mỹ, bởi từ lâu Washington Mỹ đã có nguy cơ dễ bị tấn công hạt nhân bởi Trung Quốc. "Chúng ta sẽ tiếp tục dễ bị tấn công hạt nhân bởi Trung Quốc và điều này không thay đổi được gì", ông nói.
Theo ông Acton, Bắc Kinh lo ngại Washington có thể đạt được đột phá công nghệ cũng như phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đánh bại tên lửa đạn đạo liên lục địa của quân đội Trung Quốc.
Ông nói: “Tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân luôn bi quan về việc đánh giá khả năng của đối thủ. Và tôi nghĩ rằng Trung Quốc chỉ muốn đảm bảo rằng, ngay cả trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, họ sẽ tiếp tục có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ”.
Trong khi đó, chuyên gia David Ochmanek tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển RAND, được chính phủ tài trợ nhằm hỗ trợ quân đội Mỹ, cho hay tên lửa siêu vượt âm giai đoạn cuối được trang bị vũ khí thông thường là một vấn đề mới vì chúng khó bị bắn hạ hơn so với tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn hoặc tên lửa hành trình.
Ông lập luận rằng khi Mỹ điều tàu sân bay ra đại dương, nó luôn được hộ tống bởi nhóm tàu có khả tấn công trên mặt nước giống như tàu lớp Aegis của Hải quân Nhật Bản. Các tàu chiến này có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với số lượng hạn chế. Với tên lửa siêu vượt âm khó đánh bại hơn vì có ít thời gian cảnh báo hơn, nó có độ cơ động cao, đường bay khó đoán định nên chắc chắn là mối đe doạ lớn hơn với các tàu trên mặt nước. Chuyên gia Ochmanek tin rằng quân đội Mỹ nên sở hữu tên lửa siêu vượt âm vì lý do tương tự.
Các vũ khí siêu vượt âm tầm trung sẽ góp phần vào chiến lược chống tiếp cận, nhằm mục đích giữ chân các lực lượng Mỹ càng xa đất liền Trung Quốc càng tốt. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc vốn đã đưa vào phiên chế tên lửa siêu vượt âm có tầm bắn gần 2.000km. Trong khi đó, Lầu Năm Góc muốn triển khai vũ khí siêu vượt âm tầm trung riêng vào năm 2025.
Những lời cảnh báo từ các đồng minh quân sự hàng đầu của Mỹ cũng làm nổi bật yêu cầu về khoản ngân sách quốc phòng lớn hơn khi Chính quyền Tổng thống Biden đánh giá lại kho hạt nhân của mình. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã đẩy lùi ý tưởng chi tiêu ồ ạt cho thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới cũng như thúc giục ông Biden áp dụng chính sách không sử dụng trước vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Trung Quốc bác bỏ các thông tin cho rằng nước này vừa thử tên lửa siêu vượt âm có khả năng chứa đạn hạt nhân và tuyên bố đó chỉ là cuộc kiểm tra tàu vũ trụ thông thường.
Vũ khí siêu vượt âm có lịch sử lâu dài, khởi nguồn từ thập niên 1960. Mỹ bắt tay nghiên cứu công nghệ vũ khí siêu vượt âm – được định nghĩa là vũ khí có vận tốc lớn hơn ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh, từ hơn 50 năm trước đây. RAND từ năm 2017 khẳng định có hơn 20 nước, trong đó có Trung Quốc, đã tiến hành thử nghiệm vũ khí này.