Kế hoạch của ông Trump về NATO dần lộ diện

Các cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “triệt để định hướng lại” về NATO, trong đó Washington sẽ lùi lại phía sau châu Âu và đạt được thỏa thuận với Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Maryland, ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 5/7, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa Mỹ sẽ rời khỏi NATO rất nhiều lần, đến nỗi đối với nhiều người chỉ trích ông, vấn đề không phải là liệu ông có từ bỏ liên minh đã tồn tại 75 năm này hay không mà là khi nào nếu ông tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Trên thực tế, ông Trump khó có thể rời NATO ngay lập tức, theo các cuộc phỏng vấn với các cựu quan chức an ninh quốc gia và chuyên gia quốc phòng của ông Trump, những người có khả năng sẽ phục vụ trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ. Nhưng ngay cả khi ông Trump không tuyên bố Mỹ chính thức rời khỏi tổ chức, điều đó không có nghĩa là NATO sẽ tồn tại nguyên vẹn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Để đổi lại sự tham gia liên tục của Mỹ, ông Trump không chỉ mong đợi các nước châu Âu tăng mạnh chi tiêu cho NATO - lời phàn nàn chính của ông khi còn là tổng thống - mà còn thực hiện điều mà một chuyên gia quốc phòng trong nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Dan Caldwell mô tả là "sự định hướng lại triệt để" với NATO.

Ông Caldwell nói: "Chúng tôi thực sự không còn lựa chọn nào nữa", đồng thời nêu lý do nợ công của Mỹ tăng cao, tình trạng tuyển quân chậm lại và cơ sở công nghiệp quốc phòng không thể theo kịp thách thức từ cả Nga và Trung Quốc.

Cả ông Trump lẫn chiến dịch của ông đều chưa chỉ định một nhóm an ninh quốc gia mới hoặc công khai chấp nhận một chương trình nghị sự mới cho NATO. Nhưng các cựu quan chức và chuyên gia đã phác thảo về việc làm thế nào để thúc đẩy châu Âu hướng tới một kiến ​​trúc an ninh theo ý muốn của ông Trump.

Theo các viên chức này, Mỹ sẽ duy trì “chiếc ô hạt nhân” của mình trên khắp châu Âu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump bằng cách duy trì sức mạnh không quân tại các căn cứ ở Đức, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như lực lượng hải quân của mình. Trong khi đó, phần lớn bộ binh, thiết giáp, hậu cần và pháo binh cuối cùng sẽ chuyển từ Mỹ sang cho đồng minh ở châu Âu.

Một số phần của kế hoạch này đã được đưa ra trong một báo cáo được công bố vào tháng 2/2023 bởi Trung tâm Đổi mới Mỹ liên kết với ông Trump và kể từ đó, đã có một sự đồng thuận mới nổi và chi tiết hơn giữa những người ủng hộ Trump về một phác thảo khái niệm mới cho NATO.

Ông Caldwell, người gần đây từng là cố vấn cấp cao cho Russell Vought, cựu quan chức cấp cao thời chính quyền Trump, người được bổ nhiệm làm Giám đốc chính sách cho Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tháng 5 và dự kiến ​​sẽ đóng vai trò cấp cao trong chính quyền Trump thứ hai, cho biết sự thay đổi mà họ hình dung sẽ liên quan đến "việc giảm đáng kể vai trò an ninh của Mỹ - lùi lại thay vì là nhà cung cấp sức mạnh chiến đấu chính ở châu Âu, theo đó chỉ cung cấp hỗ trợ trong thời kỳ khủng hoảng".

Một phần khác trong kế hoạch mới nổi của ông Trump là hệ thống NATO “hai lớp”. Ý tưởng đó, lần đầu tiên được đề xuất bởi một cựu quan chức cấp cao khác của chính quyền Trump, Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, có nghĩa là các quốc gia thành viên chưa đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng "sẽ không được hưởng “sự hào phóng” về quốc phòng và đảm bảo an ninh của Mỹ".

Điều này có thể được coi là bất chấp Điều 5 của hiệp ước phòng thủ chung NATO, vốn buộc mọi thành viên phải thực hiện "hành động mà họ cho là cần thiết" để hỗ trợ bất kỳ thành viên nào bị tấn công. Nhưng các thành viên của nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump lưu ý rằng ngôn ngữ trong Điều 5 rất linh hoạt và không yêu cầu bất kỳ thành viên nào phải đáp trả bằng vũ lực quân sự.

Một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột kéo dài hai năm rưỡi ở Ukraine cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch của ông Trump cho NATO. Là một phần của kế hoạch cho Ukraine chưa từng được báo cáo trước đây, ứng cử viên hang đầu của đảng Cộng hoà đang cân nhắc một thỏa thuận theo đó NATO cam kết không mở rộng thêm về phía Đông — cụ thể là với Ukraine và Gruzia - và đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Moskva có thể kiểm soát bao nhiêu lãnh thổ của Ukraine, theo hai chuyên gia an ninh quốc gia khác liên kết với Trump.

Nhìn chung, cách tiếp cận mới của ông Trump trong những lĩnh vực này sẽ tương đương với một cuộc cách mạng trong các vấn đề của NATO - một cuộc cách mạng mà nhiều nhà phê bình cho rằng châu Âu hoàn toàn không có khả năng thực hiện trong tương lai gần. Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho các hoạt động của NATO, chi khoảng 860 tỷ USD cho quốc phòng, chiếm 68% tổng chi tiêu của các nước NATO vào năm 2023.

Con số này cao hơn 10 lần so với Đức, quốc gia chi tiêu lớn thứ hai trong NATO. Một phần đáng kể trong khoản chi tiêu đó của Mỹ, chiếm khoảng 3,5% GDP của Mỹ, được dành cho việc bảo vệ châu Âu mặc dù Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ công khai số tiền là bao nhiêu, Jeremy Shapiro, Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho biết.

Trong cuộc họp mới đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington, D.C., Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg đã thông báo rằng 23 trong số 31 thành viên NATO ngoài Mỹ hiện sẽ đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của liên minh. "Con số này cao hơn gấp đôi so với 4 năm trước", ông Stoltenberg cho biết. Điều này dự kiến ​​sẽ bao gồm Đức lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1990 và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius thậm chí còn kêu gọi Đức tăng tới 3,5 % GDP cho quốc phòng.

Nhưng ngay cả khi Đức đạt được mục tiêu đó, một số cựu quan chức quốc phòng liên kết với ông Trump cho biết vẫn chưa đủ. "Tôi ủng hộ việc duy trì liên minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng tôi nghĩ cách duy nhất để làm điều đó - và tôi luôn nói điều này với phía châu Âu - là họ phải gánh vác nhiều gánh nặng hơn nữa", Elbridge Colby, người lãnh đạo việc phát triển Chiến lược Quốc phòng Quốc gia của ông Trump và được cho là sẽ đảm nhiệm một vị trí an ninh quốc gia cấp cao trong chính quyền Trump thứ hai, cho biết.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico)
Báo Mỹ nói ông Trump cân nhắc ngừng mở rộng NATO nếu tái đắc cử
Báo Mỹ nói ông Trump cân nhắc ngừng mở rộng NATO nếu tái đắc cử

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc một thỏa thuận với Nga để không mở rộng NATO sang Ukraine và Georgia nếu ông tái đắc cử, tờ Politico dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN