Truyền hình Iran đã đăng tải đoạn video về phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo Khoramshahr 4 với tầm bắn 2.000 km và có thể mang theo đầu đạn 1.500 kg.
Hãng thông tấn IRNA trong khi đó cho biết tên lửa nhiên liệu lỏng này có tên Kheibar. Bên cạnh đó, tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 16 bên ngoài bầu khí quyền và Mach 8 khi ở trong khí quyển.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Iran thông báo sẽ tiếp tục phát triển chương trình phòng thủ tên lửa của nước này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Mohammadreza Ashtiani nhấn mạnh: “Thông điệp chúng tôi gửi tới các kẻ thù là Iran sẽ bảo vệ quốc gia và những thành tựu đạt được. Thông điệp chúng tôi gửi tới các bằng hữu là Iran muốn giúp ổn định trong khu vực”.
Năm 2017, chỉ vài ngày sau khi Iran ra mắt tên lửa Khorramshahr, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với Tehran. Sau đó, đến năm 2018, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015.
Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Năm 2020, Iran đã phóng tên lửa vào căn cứ quân sự Ain al-Assad của Mỹ tại tỉnh Anbar (Iraq). Trước đó vài ngày, Mỹ tiêu diệt chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani. Lầu Năm Góc khi đó thông báo: “Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Trump, quân đội Mỹ đã có động thái bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài bằng việc tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani - người đứng đầu đơn vị Quds mà Mỹ coi là tổ chức khủng bố nước ngoài”. Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc ông Qasem Soleimani đã lên kế hoạch để tấn công các quan chức ngoại giao Mỹ tại Iraq và Trung Đông.