Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi cho biết thời hạn 2 tháng để Iran duy trì những cam kết trong Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Tehran và các quốc gia thuộc nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức)- không thể kéo dài thêm, và giai đoạn thứ hai sẽ được triển khai chính xác theo kế hoạch.
Ngày 17/6 vừa qua, ông Kamalvandi tuyên bố Iran sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA và đến ngày 27/6, Tehran sẽ vượt qua giới hạn 300 kg urani được làm giàu được quy định trong JCPOA.
Trước đó, hồi tháng 5, Iran tuyên bố tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc hồi năm 2015, đồng thời thông báo sẽ khởi động quá trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn nếu như trong vòng 60 ngày, tức là đến ngày 8/7 tới, các cường quốc châu Âu không có biện pháp bảo vệ nền kinh tế Tehran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nhấn mạnh châu Âu đã không hợp tác với Tehran trong việc mua dầu mỏ nhằm ứng phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực năng lượng của quốc gia Hồi giáo này.
Cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cho biết, nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy dần tiến trình làm giàu urani và sản xuất nước nặng vượt ngoài cấp độ quy định trong JCPOA, cho đến khi các bên vi phạm JCPOA quay lại tuân thủ thỏa thuận này.
Ông Shamkhani khẳng định đây là một quyết định nghiêm túc của Cộng hòa Hồi giáo này và Tehran sẽ tiếp tục thực hiện từng bước cho đến khi các bên vi phạm JCPOA đi đến nhất trí và quay lại hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của họ. Ông nhấn mạnh nếu các bên tham gia JCPOA không tuân thủ thỏa thuận, Iran sẽ giảm bớt từng bước các cam kết của mình trong khuôn khổ các cơ chế hợp pháp của JCPOA.
Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Tehran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. EU đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.