Hệ thống phòng không S-400 của Nga biến mất 'bí ẩn' khỏi Kaliningrad

Một số hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga gần đây được phát hiện đã biến mất khỏi Kaliningrad, vùng lãnh thổ Nga nằm trong lòng châu Âu và giữa các thành viên NATO.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga di chuyển qua Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moskva vào 9/5/2018. Ảnh: AFP

Bellingcat, trang thông tin của nhóm báo chí điều tra có trụ sở tại Hà Lan, mới đây phát hiện hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumph của Nga đã biến mất tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ nằm bên ngoài đại lục Nga và bao quanh là các nước thành viên NATO.

Theo Bellingcat, Nga có thể đã chuyển các hệ thống phòng không S-400 Triumph quý giá của mình từ Kaliningrad để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ngày 13/11, Bellingcat đã công bố một cuộc điều tra có tiêu đề “Khi các chuyến bay chở hàng rời Kaliningrad, hệ thống phòng không biến mất”. Sự việc xảy ra sau khi người dùng mạng xã hội và các nhà phân tích vào cuối tháng 10 nhận thấy sự gia tăng các chuyến bay chở hàng quân sự của Nga, đặc biệt là máy bay Il-76 và An-124, một trong những máy bay vận tải quân sự hạng nặng lớn nhất được sử dụng hiện nay.

Kaliningrad là thành phố cảng có tầm quan trọng chiến lược của Nga bên biển Baltic, là thủ phủ vùng Kaliningrad, một vùng lãnh thổ tách biệt với phần còn lại của Nga và giáp với các thành viên NATO là Litva và Ba Lan.

Một số nhà quan sát suy đoán rằng Nga có thể đang vận chuyển các hệ thống tên lửa S-400 đến Rostov-on-Don – một thành phố ở miền Nam nước này gần biên giới phía Đông Nam Ukraine – sau khi lực lượng Ukraine được cho là đã phá hủy ba hệ thống tương tự bằng Hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp, mặc dù Moskva tuyên bố đã ngăn chặn cuộc tấn công này.

Bellingcat cho biết họ có thể xác minh độc lập rằng các chuyến bay chở hàng An-124 và Il-76 đã rời Kaliningrad trong suốt đầu tháng 11 và kể từ khi những chuyến bay đó hoạt động, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy qua hình ảnh vệ tinh một sự thay đổi rõ rệt tại hai địa điểm phòng không, cho thấy ít nhất một số hệ thống S-400 của Nga đã được di dời.

“Vẫn chưa rõ chính xác chúng đã đi đâu”, Bellingcat cho biết.

Newsweek đã liên hệ với Bellingcat và Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không di động (SAM) do Nga thiết kế, có khả năng tấn công máy bay, UAV và tên lửa hành trình, đồng thời có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối.

CSIS tuyên bố rằng Nga bắt đầu phát triển S-400 từ năm 1993. Nước này chủ yếu sử dụng loạt tên lửa 48N6, cho phép S-400 tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 250 km và các hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trên một phạm vi rộng với bán kính 60 km.

Xem video S-400 Nga khai hỏa (Nguồn: Sputnik)

Còn theo tờ Insider, hệ thống tên lửa S-400, sản phẩm của Tập đoàn Almaz-Antey, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm S-300. Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó. "Rồng lửa" S-400 khi đó đã dễ dàng đẩy lui một cuộc không kích lớn bằng tên lửa. Các tên lửa mục tiêu tiến hành không kích được mô phỏng bắt chước các loại vũ khí tấn công hiện đại nhất với các đặc tính về độ cao và tốc độ khác nhau.

S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.

Bellingcat cho biết cuộc điều tra của họ bắt đầu sau khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào ngày 9/11 rằng phân tích mới cho thấy rằng để duy trì phạm vi bao phủ Ukraine, Nga có thể sẽ cần phải phân bổ lại các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, "vốn thường xuyên bảo vệ những vùng xa xôi của nước Nga."

Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào thời điểm đó: “Việc tái phân bổ các tài sản phòng không chiến lược sẽ chứng tỏ thêm rằng xung đột Ukraine tiếp tục kéo căng quân đội của Nga và làm suy yếu khả năng duy trì các biện pháp phòng thủ cơ bản trên các khu vực rộng lớn của nước này”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Newsweek)
Bloomberg: Mỹ bí mật gửi thêm đạn dược và tên lửa cho Israel 
Bloomberg: Mỹ bí mật gửi thêm đạn dược và tên lửa cho Israel 

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng hỗ trợ an ninh tiếp tục đến Israel gần như hàng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN