Trong một buổi họp báo ngắn, người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui-kyeom nói: "Tại những phiên đàm phán cuối cùng, (hai bên) đã thống nhất thời hạn của thỏa thuận sẽ kéo dài một năm. Nhưng (thỏa thuận) có thể được kéo dài thêm một năm khi cả hai bên cùng nhất trí việc đó".
Ông giải thích: "Vì thế, các bên có thể quyết định giữ nó ở mức độ hiện tại sau khi xem xét sự cần thiết phải tăng thêm. Và vì thế, tôi hy vọng (họ) sẽ không đề cập vấn đề tăng thêm giống như một lập luận chắc chắn". Hiện cả hai bên đang cân nhắc liệu có cần kéo dài hay chỉ duy trì thỏa thuận như hiện nay.
Trước đó, ngày 12/2, ông Donald Trump kêu gọi Hàn Quốc đóng góp thêm vào chi phí duy trì hoạt động của USFK, chỉ vài ngày sau khi hai nước ký Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mới về vấn đề trên. Theo ông Trump, Mỹ đã tiêu tốn một khoản tiền lớn cho hoạt động quân sự bảo vệ Hàn Quốc. Ông cho biết Seoul đã đóng góp 500 triệu USD trong tổng chi phí 5 tỷ USD cho USFK, và Hàn Quốc đã chấp thuận chi thêm 500 triệu USD cho hoạt động của lực lượng này theo đề nghị của ông. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng khoản đóng góp này phải tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, con số mà Tổng thống Trump đề cập nói trên không trùng khớp với nội dung SMA sửa đổi mà hai bên đã ký và công bố hôm 10/2, theo đó Hàn Quốc nhất trí tăng mức đóng góp lên 8,2%, tương ứng khoảng 920 triệu USD cho chi phí hoạt động USFK trong năm 2019. Thỏa thuận này có giá trị 1 năm, thay vì 5 năm như trước đây. Như vậy, trong những tháng tới, Washington và Seoul tiếp tục thương lượng về thỏa thuận SMA mới.
USFK hiện có 28.500 quân số. Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu thảo luận về SMA về chia sẻ chi phí duy trì hoạt động của USFK năm 2019 từ tháng 3/2018 và hai bên đã trải qua tổng cộng 10 vòng đàm phán trước khi ký kết thỏa thuận mới nói trên do bế tắc liên quan đến mức đóng góp của Hàn Quốc. Mỹ từng yêu cầu Hàn Quốc phải tăng khoản đóng góp lên 1,2 tỷ USD.